Thuốc nào dùng điều trị chứng hay quên?
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng hay quên. Do đó, cần phát hiện sớm để có hướng hỗ trợ và điều trị kịp thời...
Hay quên là một tên gọi thường dùng để chỉ triệu chứng của bệnh mất trí, đôi khi ranh giới giữa biểu hiện quên là dấu hiệu bình thường của sự lão hóa theo tuổi và tình trạng bệnh mất trí ở giai đoạn nhẹ còn chưa rõ ràng.
Hay quên là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất trong các bệnh mất trí, nguyên nhân chính là do thoái hóa thần kinh. Bệnh thường diễn biến âm thầm và nặng dần theo tuổi tác. Hay quên cũng có thể do chấn thương não/tổn thương não, hoặc các bệnh lý khác…
Hầu hết những người mắc chứng hay quên đều tỉnh táo và có ý thức về bản thân. Trong một số trường hợp, người bệnh có đầy đủ ký ức cho đến một thời điểm nhất định nhưng gặp khó khăn khi nhớ lại mọi thứ sau đó. Trường hợp khác, họ sẽ mất ký ức từ trước một thời điểm nào đó. Thông thường, tình trạng mất trí nhớ là không đồng đều, khi một người mất ký ức về một số sự kiện nhất định.
1. Các lựa chọn điều trị chứng hay quên
Có nhiều nguyên nhân gây nên chứng hay quên, do đó tùy thuộc từng nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau. Hiện tại không có loại thuốc nào có thể phục hồi trí nhớ bị mất do chứng hay quên.
Tuy nhiên, có những phương pháp điều trị cho các nguyên nhân gây ra triệu chứng quên đó nếu chúng ta tìm được nguyên nhân rõ ràng và có thể điều trị được, còn lại các biện pháp khác có thể là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
1.1. Bổ sung vitamin B1
Tác dụng: Hội chứng Wernicke-Korsakoff có thể liên quan đến tình trạng mất trí nhớ do thiếu thiamin (vitamin B1). Nguyên nhân của hội chứng này là do tình trạng sử dụng rượu nhiều, ăn ít tinh bột, kém hấp thu vitamin B, trong đó có vitamin B1. Do đó người mắc chứng hay quên do Hội chứng Wernicke-Korsakoff cần bổ sung nhiều vitamin B1.
Lưu ý, cần có chế độ dinh dưỡng bổ sung tình trạng thiếu hụt vitamin B1, bao gồm: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt ngũ cốc, cá hồi, thịt bò, rau xanh, trứng, men bia, men dinh dưỡng là nguồn cung cấp thiamin dồi dào. Ngoài ra, những người mắc Hội chứng Wernicke-Korsakoff cần ngừng uống rượu.
1.2. Bổ sung omega-3
- Tác dụng: Dùng các chất bổ sung dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe não bộ, chẳng hạn như axit béo omega-3. Omega-3 với hai chất quan trọng nhất là acid docosahexaenoic (DHA) và eicosapentaenoic (EPA) có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh, chống sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức ở người cao tuổi, ít bị mắc sa sút trí tuệ hơn. Đặc biệt omega -3 có tác dụng phòng ngừa và tốt cho bệnh nhân trầm cảm, một nguyên nhân gây chứng hay quên.
- Tác dụng phụ có thể gặp: Ợ hơi, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn ngứa, chảy máu nướu, tăng đường huyết...
1.3. Thuốc ức chế cholinesterase
Tác dụng: Dùng trong các trường hợp mắc chứng hay quên do bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây bệnh. Thuốc ức chế cholinesterase ngăn chặn enzyme cholinesterase phân hủy acetylcholine, giúp duy trì trí nhớ và làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng. Thuốc ức chế cholinesterase bao gồm: donepezil, rivastigmine, galantamine...
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây nhịp tim chậm, buồn nôn, tiết nước bọt, nôn mửa, co giật.
Lưu ý, người bệnh cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và khám lại theo hẹn để tránh bệnh trầm trọng hơn.
1.4. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường áp dụng trong các trường hợp người mắc chứng hay quên do chấn thương sọ não để loại bỏ máu tích tụ trong não hay các nguyên nhân khác u não...
1.5. Thiền và các hoạt động chánh niệm
Thiền và các hoạt động chánh niệm liên quan có thể giúp thư giãn tâm trí, khôi phục lại những ký ức đã quên.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của gia đình cũng rất quan trọng để điều trị chứng hay quên, có thể cho người bệnh xem ảnh về các sự kiện trong quá khứ, cho người bệnh tiếp xúc với mùi quen thuộc và phát nhạc quen thuộc…
2. Lưu ý khi điều trị chứng hay quên
Để việc điều trị chứng hay quên an toàn hiệu quả, cần thực hiện:
- Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Tuân thủ phác đồ điều trị.
- Tái khám đúng hẹn để kiểm tra và kịp thời điều chỉnh nếu có bất thường khác xảy ra.
- Có thể cho người bệnh sử dụng các thiết bị thông minh (như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng…).
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ trí nhớ công nghệ thấp bao gồm sổ tay, lịch treo tường, máy nhắc nhở uống thuốc và ảnh chụp người và địa điểm.
- Phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi.
- Bệnh nhân được yêu cầu mang theo một số loại giấy tờ tùy thân có tên, địa chỉ hoặc số điện thoại liên lạc.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-nao-dung-dieu-tri-chung-hay-quen-169241208103716398.htm