Thuốc Tamiflu vẫn dồi dào, người dân không cần mua tích trữ

Việc dùng Tamiflu chỉ cần thiết trong những trường hợp cúm nặng hoặc có nguy cơ chuyển biến xấu, và phải có sự chỉ định của bác sĩ. Hiện nguồn cung vẫn dồi dào, người dân không cần mua tích trữ.

Giá thuốc Tamiflu tăng chóng mặt

Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca mắc cúm tại Việt Nam đã có dấu hiệu gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán 2025. Các chủng cúm chủ yếu được ghi nhận là A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Mặc dù số ca bệnh không tăng đột biến so với hàng năm, nhưng thông tin về một số trường hợp cúm A chuyển biến nặng đã khiến nhiều người dân lo lắng. Điều này dẫn đến tình trạng "sốt" thuốc Tamiflu – loại thuốc kháng virus được coi là "thần dược" trong điều trị cúm A.

Ông Đặng Hoàng, một người dân ở quận Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ rằng ông đã mua một hộp Tamiflu ở hiệu thuốc tư với giá 690.000 đồng/hộp (mỗi hộp 10 viên) để điều trị cúm A.

"Giá thuốc đắt hơn so với dịp trước Tết nguyên đán, nhưng vì cần gấp nên đành phải mua thôi", ông Hoàng cho biết.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Người Đưa Tin cho thấy, nhiều nhà thuốc tại Hà Nội đã cháy hàng Tamiflu, trong khi một số nơi khác tăng giá mạnh do nhu cầu tăng đột biến.

Tại một nhà thuốc lớn trên đường Đào Tấn (quận Ba Đình), nhân viên ngay lập tức khẳng định các triệu chứng như ho, nhức đầu, sổ mũi, đau người là dấu hiệu của cúm A.

Khi được hỏi về việc mua Tamiflu, nhân viên không yêu cầu đơn thuốc của bác sĩ (dù đây là thuốc kê đơn) mà tư vấn liều dùng ngay: "Nếu là trẻ em thì chỉ cần uống 1 viên/ngày, pha với nước, sử dụng trong 5 ngày. Giá thuốc hiện tại là 68.000 đồng/viên".

Ghi nhận thực tế của phóng viên Người Đưa Tin cho thấy, nhiều nhà thuốc tại Hà Nội đã cháy hàng Tamiflu, trong khi một số nơi khác tăng giá mạnh do nhu cầu tăng đột biến.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Người Đưa Tin cho thấy, nhiều nhà thuốc tại Hà Nội đã cháy hàng Tamiflu, trong khi một số nơi khác tăng giá mạnh do nhu cầu tăng đột biến.

Cũng tại quận Ba Đình, một cửa hàng trên phố Ngọc Khánh bán Tamiflu với giá 70.000 đồng/viên. Khi được hỏi về việc giá thuốc tăng cao, nhân viên giải thích: "Chúng tôi vừa nhập thuốc về, sau 10 phút đã phải tăng giá thêm 10.000 đồng/hộp".

Trong khi đó, tại một nhà thuốc trên đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), Tamiflu đã hết hàng do quá nhiều người mua. Người bán thông báo phải đợi đến chiều tối hoặc sáng hôm sau mới có hàng mới. Đáng chú ý, một nhà thuốc khác trên cùng con đường này bán Tamiflu với giá lên đến 800.000 đồng/hộp và không yêu cầu đơn thuốc.

Tuy nhiên, tại trang web “Tra cứu giá thuốc” của Cục quản lý dược, Bộ Y tế, Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Người dân không cần mua thuốc Tamiflu để dự trữ

Trả lời báo chí, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir (Tamiflu) hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.

Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000. Sắp tới công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 02 lần theo quy đinh tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động về nguồn cung, không được găm hàng tăng giá vào ngày 02/12/2024 và 7/2/2025.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.

Trong sáng nay, ngày 10/2, Cục Quản lý dược cũng đã có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện và các cơ sở xuất, nhập khẩu thuốc đề nghị đảm bảo cung ứng thuốc điều trị. cúm, cấm đầu cơ tăng giá

Cụ thể, cục đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.

Các Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh. Cục Quản lý Dược đề nghị các Đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện.

Không tự ý dùng thuốc Tamiflu

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm, Hệ thống Y tế MEDLATEC cho rằng, việc người dân tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, thậm chí tự ý sử dụng là không cần thiết.

Tamiflu là thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm. Nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, nghĩa là người bệnh phải được xác định chính xác nhiễm cúm A.

"Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tamiflu chỉ được sử dụng trong điều trị cúm cho những trường hợp nặng, có biến chứng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch. Đối với những người khỏe mạnh mắc cúm mùa thông thường, không cần thiết phải dùng Tamiflu", bác sĩ nói.

Cũng theo Ths.BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC, khi có dấu hiệu cúm, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Phần lớn các trường hợp cúm có thể điều trị tại nhà bằng các biện pháp chăm sóc cơ bản và bệnh thường tự khỏi sau 3 – 5 ngày.

BS nhấn mạnh rằng, Tamiflu có thể gây tác dụng phụ, vì vậy không thể sử dụng tùy tiện. Thuốc này chủ yếu được chỉ định cho những trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc bệnh nhân có bệnh lý nền như tiểu đường, có nguy cơ diễn biến nặng.

Ngoài ra, Tamiflu chỉ có một hàm lượng dành cho người lớn, khiến việc sử dụng cho trẻ em trở nên phức tạp. Việc chia liều đúng theo độ tuổi cần có chuyên môn của bác sĩ hoặc điều dưỡng. Nếu cha mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ, rất dễ dẫn đến tình trạng quá liều hoặc thiếu liều. Đặc biệt, sử dụng Tamiflu không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động áp dụng một số biện pháp sau:

Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiên vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thuoc-tamiflu-van-doi-dao-nguoi-dan-khong-can-mua-tich-tru-204250210111805063.htm