Thương binh Lã Mạnh Tùng nặng nghĩa tình đồng đội

Năm Ất Tỵ 2025, thương binh Lã Mạnh Tùng bước sang tuổi 74 với 56 năm tuổi Đảng. Mang trên mình thương tật 48% nhưng ròng rã hơn 30 năm qua, ông đã đi khắp núi rừng Tây Nguyên-nơi hơn nửa thế kỷ trước từng diễn ra những trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch trên Mặt trận Tây Nguyên (B3) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS).

Lã Mạnh Tùng sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cuối năm 1968, khi tròn 17 tuổi, anh viết đơn bằng máu xung phong đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện đặc công, Lã Mạnh Tùng được biên chế về Tiểu đoàn Đặc công 20, trực thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên -Quân đoàn 3. Ngày 19-8-1974, Tiểu đoàn Đặc công 20 về đội hình Trung đoàn Đặc công 198, trực thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên-đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công).

Từ năm 1969 đến tháng 4-1975, Lã Mạnh Tùng trực tiếp tham gia 28 trận đánh lớn, nhỏ từ cấp trung đội đến cấp tiểu đoàn, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba. Theo lời kể của thương binh Lã Mạnh Tùng, với lối đánh của bộ đội đặc công luồn sâu, đánh hiểm, thắng lớn, "đánh nở hoa trong lòng địch” thì trong nhiều trận đánh, đa phần thi hài của liệt sĩ không thể thu dung được!”.

 Thương binh Lã Mạnh Tùng bên hài cốt 12 liệt sĩ của Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), hy sinh ngày 27-1-1969, quy tập được ở hang đá trên núi Chư Păh.

Thương binh Lã Mạnh Tùng bên hài cốt 12 liệt sĩ của Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), hy sinh ngày 27-1-1969, quy tập được ở hang đá trên núi Chư Păh.

Đơn cử như trận đánh của Đại đội 62, Tiểu đoàn Đặc công 20 tập kích kho đạn Cơ Ti Mơ Rông của Quân đoàn II ngụy ngày 28-12-1973. Đây là kho đạn lớn của địch ở Tây Nguyên thời điểm ấy. Trong trận tập kích đó, Đại đội 62 đã phá hủy 5 kho đạn với khoảng 15.000 tấn bom đạn, diệt hơn 30 tên địch. Để giành được thắng lợi, 5 đồng chí của Đại đội 62 hy sinh, Lã Mạnh Tùng bị thương với thương tật 48%... Cũng trong trận tập kích kho đạn Cơ Ti Mơ Rông, 4 liệt sĩ của Đại đội 62 trong “tổ thọc sâu” không thể thu dung được thi hài. Đến nay, sau nhiều đợt đơn vị tổ chức tìm kiếm ở vị trí 5 kho đạn của địch bị bộ đội ta phá nổ ngày ấy, nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt của 4 liệt sĩ (!).

Chính ký ức về sự hy sinh của đồng đội trong các trận chiến đấu mà ông Lã Mạnh Tùng trực tiếp tham gia đã thôi thúc ông trở lại chiến trường xưa tìm HCLS. Hơn 30 năm qua (từ năm 1994 đến nay), thương binh Lã Mạnh Tùng không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi tìm HCLS ở các tỉnh Tây Nguyên. Dựa trên những tài liệu xác thực từ sự lưu trữ của các đơn vị từng chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên, hay của cơ quan chính sách các địa phương, cả tài liệu có được từ phía “đối phương” cộng với thông tin tìm hiểu thực tế trong nhân dân, thương binh Lã Mạnh Tùng đã thực hiện thành công nhiều đợt tìm kiếm HCLS.

 Thương binh Lã Mạnh Tùng kể về những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ trên chiến trường Tây Nguyên.

Thương binh Lã Mạnh Tùng kể về những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ trên chiến trường Tây Nguyên.

Nhẩm tính, hơn 30 năm qua, thương binh Lã Mạnh Tùng cùng các đơn vị quy tập HCLS của Quân đoàn 3, của Bộ CHQS các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông tìm được gần 100 HCLS, quy tập về an táng tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Điều đáng trân trọng ở thương binh Lã Mạnh Tùng là mỗi khi có thông tin về liệt sĩ hy sinh ở Mặt trận Tây Nguyên; hoặc có thân nhân liệt sĩ nhờ cậy tìm HCLS hy sinh trong các trận chiến đấu trên địa bàn Tây Nguyên là ông xông xáo, bắt tay ngay vào việc với quyết tâm cao nhất. Kể từ ngày ông Lã Mạnh Tùng làm công việc sâu nặng nghĩa tình đồng đội này, có bao nhiêu thu nhập từ tiền trợ cấp thương tật và tiền nghỉ hưu của sĩ quan đặc công sau 21 năm quân ngũ, ông đều dành hết cho những chuyến đi tìm HCLS.

Trong số hàng trăm chuyến đi tìm HCLS hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thương binh Lã Mạnh Tùng nhớ mãi chuyến ông rong ruổi, luồn rừng, leo núi tìm được hài cốt 12 liệt sĩ của Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) hy sinh ngày 27-1-1969, trong trận đánh ở núi Chư Păh (nay thuộc xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), khi Mỹ-ngụy mở Chiến dịch Bình Tây 48, 49, 50 hòng truy quét các lực lượng của các Trung đoàn 24, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) đang tác chiến tại đây.

Thương binh Lã Mạnh Tùng kể: Cuối tháng 5-2021, khi có tài liệu về Chiến dịch Bình Tây 48, 49, 50 của Mỹ-ngụy truy quét bộ đội Trung đoàn 24, Trung đoàn 66 tại núi Chư Păh đầu năm 1969, trong đó có thông tin về bộ đội ta hy sinh tại đây, ngày 30-5-2021, ông đã đề xuất với Đội quy tập HCLS của Quân đoàn 3 cử cán bộ đi cùng đến liên hệ với UBND xã Ia Kreng và được đồng chí Rơ Chăm Tâm, Chủ tịch UBND xã cử thêm Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Rơ Chăm Sinh và hai dân quân đi cùng đoàn tiến hành khảo sát khu vực núi Chư Păh.

Từ trung tâm xã Ia Kreng đến núi Chư Păh, đoàn khảo sát phải luồn rừng, chủ yếu đi bộ khoảng 18km thì đến được điểm cao 950. Tại điểm cao này, đoàn phát hiện những vật dụng của bộ đội ta từng dừng chân nơi đây, như nắp soong quân dụng bị bẹp dúm, những miếng vải tăng võng... Sau một ngày khảo sát, tìm kiếm, đoàn trở lại xã Ia Kreng. Ngày 1-6-2021, thương binh Lã Mạnh Tùng cùng cán bộ địa phương đến làng Tiếp, xã Ia Kreng tìm gặp cụ bà cao tuổi nhất làng để tìm kiếm thêm thông tin và được cụ bà kể lại chuyện trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, một ngày chồng của cụ bà đi lên núi Chư Păh săn bắt thú về có nói: “Khi đi đến gần hang đá trong núi có nghe tiếng động lạ, nhưng không dám tìm đến!”. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy nhưng lại quý giá vô cùng, thương binh Lã Mạnh Tùng quả quyết: “Bộ đội ta hy sinh trong hang đá, trên núi Chư Păh!”. Ngày hôm sau (2-6-2021), thương binh Lã Mạnh Tùng và 3 thanh niên dân tộc thiểu số của địa phương thông thạo đi rừng cùng một nhân viên ban quản lý rừng trở lại núi Chư Păh và tìm ra hang đá. Thật mừng là ngay cửa hang, mọi người phát hiện tăng võng, bát ăn cơm và một số di vật của bộ đội ta. Khi mọi người trong đoàn dùng xà beng bẩy tảng đá rộng 1m, dài 2m ở cửa hang thì tìm được một hài cốt phía dưới tảng đá. Mọi người cho rằng tiếng động lạ mà chồng cụ bà ở làng Tiếp nghe thấy trong chuyến đi săn năm 1969 rất có thể là của đồng chí bộ đội khi bị tảng đá này đè lên, dẫn đến hy sinh (!).

Khảo sát và tìm được vị trí liệt sĩ hy sinh trong hang đá trên núi Chư Păh, thương binh Lã Mạnh Tùng trở về báo cáo với Đội quy tập HCLS Quân đoàn 3, đề nghị cho lực lượng, phương tiện, công cụ tiến hành tìm kiếm HCLS ở khu vực hang đá. Một tháng sau, khoảng đầu tháng 7-2021, thương binh Lã Mạnh Tùng cùng 14 cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập HCLS Quân đoàn 3 trở lại hang đá trên núi Chư Păh. Sau 3 ngày đào bới đất đá trong hang, đoàn đã tìm thêm được 11 HCLS. Quy tập được 12 HCLS của Trung đoàn 66 ở hang đá, trên núi Chư Păh, Đội quy tập HCLS Quân đoàn 3 đã lấy mẫu gửi Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) để giám định AND, làm các bước xác định danh tính cho các liệt sĩ.

Tháng 4-2023, thương binh Lã Mạnh Tùng lại góp công lớn khi ông xác minh, trực tiếp tham gia xác minh, quy tập được 8 HCLS của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) hy sinh trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 tại phường Ngô Mây, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Trong số 8 HCLS quy tập được, có một liệt sĩ xác định được tên là Nguyễn Văn Hàm, quê xã Quế Nham, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Sau khi quy tập, thương binh Lã Mạnh Tùng cùng thân nhân liệt sĩ đã đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quế Nham vào ngày 16-6-2024.

Trung tuần tháng 8-2024, thương binh Lã Mạnh Tùng cùng đồng đội về Tây Nguyên dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn Đặc công 198 và cùng chung vui khi đơn vị được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Dự lễ xong, thương binh Lã Mạnh Tùng lại gấp gáp “hành quân” trở lại xã Hà Tây, huyện Chư Păh để xác minh thông tin về vị trí mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Khoa thuộc Đại đội 19, Trung đoàn Đặc công 198, hy sinh ngày 10-3-1975 tại căn cứ truyền tin trên đỉnh núi Chư Hreng. Và những tháng cuối của năm 2024 vừa qua, thương binh Lã Mạnh Tùng cùng thân nhân liệt sĩ tìm đến xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, tìm kiếm ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ Trung đoàn 101C, Sư đoàn 325, hy sinh trong trận tiến công trại biệt kích Đắk Seang vào ngày 18-8-1968. Ông quả quyết: “Mỗi khi nghe được thông tin về HCLS còn nằm lại đâu đó trên vùng đất của chiến trường Tây Nguyên năm xưa là trái tim tôi lại thôi thúc lên đường tìm kiếm!”.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/thuong-binh-la-manh-tung-nang-nghia-tinh-dong-doi-814382