Thương binh Ukraine được đưa sang Đức lắp chân tay giả

Đài CNN cho biết nhờ một tổ chức phi chính phủ, hàng chục thương binh Ukraine đã được sang Đức lắp chi giả để có cuộc sống bình thường trở lại.

Ông Pavlo Kushnirov nằm trong số binh sĩ Ukraine chiến đấu ở thành phố Bakhmut vào mùa đông năm ngoái. Một trận pháo kích do Nga tiến hành đã thay đổi cuộc đời ông.

“Đơn vị của chúng tôi bị pháo binh cùng máy bay không người lái Nga bắn phá dữ dội suốt 2 ngày. Sáng 5.12, đạn pháo bắn trúng tôi”, Kushnirov kể lại. Một chân của ông bị cắt cụt ngay dưới khớp gối, chân còn lại bị cắt cụt trên đầu gối.

Còn Vitaliy Sayko-Kazakov phục vụ Tiểu đoàn súng trường biệt động số 19 chiến đấu ở làng Chervonopopivka nơi hai vùng Luhansk và Donetsk giao nhau. Ông mất chân trái khi giao tranh với quân Nga vào ngày 1.7 năm ngoái.

“Tôi lập tức thắt dây ga rô và may mắn còn tỉnh táo, chắc là nhờ adrenaline. Tôi đã tự cứu được mình”, theo Sayko-Kazakov. Chân phải bị thương nặng với chỗ gãy hở cuối cùng vẫn phải cắt bỏ khi ông về thành phố Lviv. Trong 3 tháng người lính này không thể rời khỏi giường bệnh.

Cuộc chiến Ukraine kéo dài hơn 2 năm không chỉ cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng mà còn khiến người khác mất tay chân hoặc chịu thương tật ảnh hưởng đến cuộc sống. Giới chức Đức ước tính có khoảng 30.000 - 50.000 người Ukraine mất tay chân do chiến tranh.

Tại Ukraine, việc có được chân tay giả lẫn sự chăm sóc y tế đầy đủ hiện rất khó khăn. Vì vậy tổ chức phi chính phủ Life Bridge Ukraine đang nỗ lực đưa thương binh sang Berlin (Đức). Kushnirov cùng Sayko-Kazakov thuộc nhóm 60 thương binh đầu tiên ra nước ngoài lắp chân tay giả.

Là một trong 5 kỹ thuật viên chỉnh hình ở Berlin phụ trách chế tạo chi giả theo yêu cầu riêng, Marko Gansl (công ty y tế Seeger) xem xét kỹ từng trường hợp một. Anh nhẹ nhàng xoa dọc phần chân cụt của Kushnirov rồi hỏi ông có thấy đau không. Cuộc trò chuyện cần người phiên dịch hỗ trợ. Sau đó Gansl lấy dây do chiều dài khúc gỗ đang thay thế phần chân cụt, các kỹ thuật viên khác tiến hành đánh giá tình trạng chi.

Ngoài chiến trường, binh sĩ bị thương cần được cắt cụt chi nhanh chóng nếu muốn sống sót. Gansl cho biết làm vậy khiến thương binh khó lắp được chi giả kích cỡ thông thường. Chẳng hạn chân trái của Kushnirov do bị cắt cụt trên đầu gối nên khó xử lý hơn, còn chân phải lại dễ tìm chi giả thay thế.

Trong nhóm 60 thương binh còn có binh sĩ Valerii Omelchenko mới 27 tuổi. Anh kể lại: “Tôi đang làm nhiệm vụ vào ngày 23.11.2023 thì máy bay không người lái Nga bay qua và một quả lựu đạn phát nổ ngay trước mặt tôi. Tôi nhảy ra xa rồi thu chân vào ngực để bảo vệ mình khỏi vụ nổ. Kết quả là chân bị thương nặng nhưng ít nhất tôi còn sống”. Người lính này đang phải ngồi xe lăn với chân trái bị cắt cụt và chân còn lại bị bầm tím nặng.

Đội ngũ bác sĩ Đức nỗ lực cứu chân bị bầm tím bằng cách dùng khung kim loại cố định bên ngoài chờ lành lại. Chân trái sẽ sớm được lắp chi giả.

Chuyên gia tài chính Janine von Wolfersdorff là người khởi xướng Life Bridge Ukraine. Bà từng đích thân sang Ukraine đánh giá một số trường hợp thương tật nghiêm trọng.

“Có rất nhiều trường hợp phức tạp, mà tại Ukraine có quá ít kỹ thuật viên chỉnh hình nên không thể cung cấp cho tất cả nạn nhân chiến tranh sự chăm sóc nhanh chóng, đầy đủ. Chúng tôi muốn mang lại cho thương binh một cuộc sống mới đồng thời muốn đào tạo 6 người Ukraine trở thành kỹ thuật viên đủ năng lực chế tạo chi giả”, chuyên gia Wolfersdorff chia sẻ. Bà đang hợp tác chặt chẽ với Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko và Thị trưởng Berlin Kai Wegner, dự kiến cuối năm nay một trung tâm chế tạo chi giả sẽ được mở tại Kyiv.

Thực tập sinh người Ukraine Volodymyr Havrylov chia sẻ quá trình đào tạo không hề dễ dàng, nhưng anh muốn học càng nhiều càng tốt để tự chế tạo chi giả. Mỗi trường hợp cần lắp lại có vấn đề riêng mà kỹ thuật viên cần tìm hiểu và điều chỉnh từng chút một.

Life Bridge Ukraine đã kêu gọi tài trợ được khoảng 600.000 USD. Bên cạnh lắp chi giả và tập vật lý trị liệu, thương binh còn được hỗ trợ tâm lý cũng như tư vấn về dinh dưỡng nhằm tái hòa nhập cuộc sống tốt hơn.

Kushnirov và Sayko-Kazakov mất vài tuần thích nghi với chi giả. Sayko-Kazakov đã đi được những bước đầu tiên, Kushnirov phải lắp thêm phần khớp gối nhân tạo nên ông gặp khó khăn hơn.

Kushnirov biết quá trình phục hồi chức năng của bản thân mất nhiều thời gian, nhưng quyết tâm tiếp tục cố gắng. Chi giả còn cần phải được kiểm tra, điều chỉnh lần cuối trước khi thương binh về nước.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuong-binh-ukraine-duoc-dua-sang-duc-lap-chan-tay-gia-217994.html