Thương chiến lần này khác gì với thương chiến lần thứ nhất?

Khác với thương chiến lần thứ nhất, sự chuẩn bị của các quốc gia và kinh nghiệm ứng phó đã tốt hơn rất nhiều trong thương chiến 2.0 lần này.

Động thái mới nhất trong thương chiến 2.0, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố lộ trình áp dụng thuế quan “có đi có lại” đối với mọi quốc gia đang áp thuế lên hàng hóa Mỹ.

 Có những mặt hàng có thể sản xuất tại Mỹ, nhưng có những mặt hàng rất khó để sản xuất tại Mỹ ví như hàng dệt may, chính vì vậy cơ hội với Việt Nam vẫn còn trong nhiều ngành nghề - Ảnh: Chính Phủ

Có những mặt hàng có thể sản xuất tại Mỹ, nhưng có những mặt hàng rất khó để sản xuất tại Mỹ ví như hàng dệt may, chính vì vậy cơ hội với Việt Nam vẫn còn trong nhiều ngành nghề - Ảnh: Chính Phủ

Thuế quan chưa có hiệu lực ngay lập tức mà sẽ được triển khai trong vài tuần tới, sau khi nhóm kinh tế và thương mại của chính quyền ông Donald Trump hoàn tất việc rà soát các mối quan hệ thương mại song phương.

Mỹ sẽ ưu tiên xử lý những trường hợp “nghiêm trọng nhất”, bao gồm các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và áp thuế cao nhất lên hàng hóa Mỹ. Các biện pháp cũng sẽ đối phó với những rào cản phi thuế quan, như quy định khắt khe, thuế giá trị gia tăng (VAT), trợ cấp chính phủ và chính sách tỉ giá hối đoái gây khó khăn cho xuất khẩu Mỹ.

Cho đến hiện tại, một số nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ cũng đã có những biện pháp đáp trả nhất định.

Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng, cũng không nên quá lo lắng bởi bối cảnh thế giới hiện đã khác và sự chuẩn bị của doanh nghiệp châu Á cũng như Việt Nam cho kịch bản thương chiến 2.0 cũng đã tốt hơn rất nhiều so với lần thứ nhất. Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia đưa ra.

Thương chiến 2.0 có thể không gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như lần trước

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC), nhìn lại câu chuyện thương chiến Mỹ - Trung Quốc năm 2018 và thay đổi cho đến hiện tại để minh chứng cho quan điểm thương chiến lần này dù có thể căng thẳng trên truyền thông, nhưng thực tế cũng không gây ra ảnh hưởng quá nghiêm trọng.

 Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) - Ảnh: Phố tài chính

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) - Ảnh: Phố tài chính

Theo ông Long, trước đây, khi Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu 25% lên hàng hóa từ Trung Quốc vào tháng 3-2018, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm mạnh, mất khoảng 10% ngay lập tức và lên đến 20% tại đỉnh điểm. Khi đó, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất gần một năm để phục hồi từ cú sốc này. Thuế tăng của Mỹ được xem có tác động đến tỷ giá và gián tiếp đến đầu tư FDI vào Trung Quốc.

Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm dần qua các năm, đến hết 2024 chỉ còn dưới 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Hiện tại, mức thuế trung bình mà Mỹ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc là trên 10%, từ mức 2% trước 2018.

Trong thời gian này, Canada và Mexico tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ, trở thành hai trong những nhà cung cấp hàng đầu với Hoa Kỳ, chiếm hơn 80% tổng xuất khẩu của hai quốc gia này. Điều này cho thấy xu hướng Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các đối tác gần gũi hơn, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đến lần này, khi Mỹ chính thức tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, thị trường chứng khoán hai nước này chỉ biến động nhẹ. Thị trường chứng khoán Trung Quốc thậm chí còn tăng điểm nhờ tác động tích cực từ gói kích cầu của Trung Quốc.

Điều này cho thấy tác động của chính sách thuế quan lần này không nghiêm trọng như thương chiến Mỹ - Trung 2018, một phần vì các nền kinh tế đã có sự chuẩn bị tốt hơn.

Còn theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam, việc Mỹ tăng thuế toàn diện với tất cả các nước là khả năng có thể xảy ra, nhưng mức thuế sẽ khác nhau với các ngành.

Nhìn lại lịch sử thương mại Mỹ, ông Hiếu cho biết dù trên ý chí, Mỹ có thể muốn tăng thuế với một số mặt hàng, nhưng khó có thể tăng thuế lên cao với tất cả các mặt hàng bởi còn phải tính đến tác động lên cuộc sống của người Mỹ.

 Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam - Ảnh: Vietstock

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam - Ảnh: Vietstock

Ông Hiếu dẫn ví dụ với các sản phẩm dệt may vốn thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động, hoàn toàn không dễ để có thể sản xuất ở nước Mỹ, nếu tăng thuế quá cao sẽ “đánh thẳng” vào túi tiền của người Mỹ, chắc chắn các cử tri Mỹ sẽ phản đối.

Cũng theo ông Hiếu, trước đây, từng có khoảng thời gian thuế với hàng dệt may bị điều chỉnh lên rất cao nhưng vấp phải sự phản đối của người dân nên thuế lại phải điều chỉnh giảm.

Chiến lược cho Việt Nam trong thương chiến 2.0

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB, cho rằng trong bối cảnh mới, Việt Nam dù đối diện với thách thức nhưng cũng có cơ hội.

Việt Nam có cơ hội gia tăng đa dạng hóa thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể. Dù chính sách mới của ông Trump có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng đây cũng chính là thời điểm để Việt Nam chủ động mở rộng và tìm kiếm thêm cơ hội ở các thị trường khác.

 Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB - Ảnh: ISCA

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB - Ảnh: ISCA

Việt Nam cũng cần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để tránh tình trạng phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể. Đồng thời, không chỉ tập trung vào thị trường, Việt Nam còn cần mở rộng danh mục các mặt hàng xuất khẩu.

Hiện tại, máy tính và linh kiện điện tử là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhưng Việt Nam cần thúc đẩy thêm nhiều nhóm hàng khác để giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào các mặt hàng trọng điểm, Giám đốc điều hành khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB nhấn mạnh.

Giám đốc Phân tích chứng khoán BSC – ông Trần Thăng Long- chỉ ra Việt Nam hiện chiếm khoảng 5,5% thị phần nhập khẩu của Mỹ, với xuất siêu trên 100 tỉ USD. Điều này đặt Việt Nam vào nhóm có nguy cơ bị áp thuế.

Tuy nhiên, khả năng bị đánh thuế toàn diện là thấp, vì cấu trúc xuất khẩu của Việt Nam phần lớn thuộc về khối FDI – nhiều doanh nghiệp đến từ các quốc gia đồng minh của Mỹ (Friend-Shoring), giúp giảm nguy cơ bị áp thuế nặng.

Nếu bị áp thuế, khả năng cao sẽ chỉ tập trung vào một số ngành hàng nhất định, thay vì toàn bộ xuất khẩu sang Mỹ, nên mức độ ảnh hưởng sẽ không nghiêm trọng như Trung Quốc năm 2018 hay Mexico & Canada năm 2025.

Để giảm thiểu rủi ro, ông Long khuyến nghị Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ (như Mexico, Canada)

Đồng thời tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, giúp cân bằng cán cân thương mại và giảm áp lực kinh tế chính trị.

Tóm lại, dù có nguy cơ bị áp thuế, Việt Nam có lợi thế về cấu trúc xuất khẩu và quan hệ đối tác, nên tác động dự kiến sẽ ở mức vừa phải, không gây biến động lớn như các quốc gia khác đã trải qua.

"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị chiến lược linh hoạt để thích ứng với các chính sách thương mại leo thang trong thời gian tới", Giám đốc Phân tích Chứng khoán BSC kết luận.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuong-chien-lan-nay-khac-gi-voi-thuong-chien-lan-thu-nhat-post834399.html