Trừng phạt mới của Mỹ với Nga làm chao đảo thị trường dầu mỏ thế giới
Các biện pháp trừng phạt mới siết chặt của Mỹ đối với Moscow đã làm gián đoạn dòng chảy dầu thô giá rẻ từ Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ, khiến nhu cầu dầu từ Trung Đông và châu Phi tăng mạnh, thị trường vận tải biển rối loạn và giá dầu leo thang.

Hình minh họa
Ngày 10/1, Washington áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào các tàu chở dầu Nga, với mục tiêu hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow – một phần trong chiến dịch trừng phạt phương Tây áp đặt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ba năm trước.
Quy định mới khiến hàng triệu thùng dầu mắc kẹt trên các con tàu, trong khi các nhà giao dịch vội vã tìm kiếm nguồn thay thế. Lượng dầu Nga – vốn là nguồn cung chính cho hai nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ – đã giảm mạnh cho kỳ giao hàng tháng 3.
Thị trường dầu mỏ đảo lộn
Tình trạng gián đoạn này đã làm thay đổi cán cân thị trường. Trong vài tuần qua, dầu thô Dubai có hàm lượng lưu huỳnh cao đã trở nên đắt hơn dầu Brent – loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp và dễ tinh chế hơn. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà khai thác từ Brazil đến Kazakhstan gia tăng thị phần tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo các nhà giao dịch, giá dầu thô Brazil tháng trước đã tăng vọt lên mức cao hơn khoảng 5 USD/thùng so với dầu Brent theo điều kiện CIF (giá thành + bảo hiểm + cước phí) khi giao đến Trung Quốc, tăng từ mức 2 USD/thùng hồi tháng trước. Đối với các lô hàng đến vào tháng 5, mức chênh lệch hiện vẫn duy trì dưới 5 USD/thùng.
Ngoài ra, theo dữ liệu của Kpler, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu lô dầu CPC Blend từ Kazakhstan vào tháng 3 – đây là lô hàng đầu tiên kể từ tháng 6/2024.
Sau lệnh trừng phạt mới, công ty giao dịch dầu của TotalEnergies, TOTSA, nhận được quá nhiều yêu cầu mua dầu từ Trung Đông đến mức họ phải tổ chức đấu thầu thay vì đàm phán riêng. Cuối cùng, các lô hàng này đã được bán cho CNOOC và Rongsheng Petrochemical của Trung Quốc, theo một nhà giao dịch có trụ sở tại Singapore. TotalEnergies đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Dầu Trung Đông tăng giá, chi phí vận chuyển leo thang
Nhu cầu dầu thô từ Trung Đông tăng đột biến đã khiến giá dầu Oman, Dubai và Murban trong tháng 1 tăng hơn gấp đôi so với tháng 12, hiện vẫn giữ ở mức cao hơn 3 USD/thùng so với giá dầu Dubai, dù nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu đang suy giảm do vào mùa bảo trì.
Bên cạnh đó, Saudi Aramco – nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – cũng đã nâng giá dầu bán sang châu Á lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2023, khiến chi phí đầu vào của các nhà máy lọc dầu tăng mạnh.
Một nhà cung cấp dầu thô Angola cho biết, lượng dầu xuất khẩu sang châu Á cũng tăng lên khi các khách hàng tìm nguồn thay thế.
“Một số lượng lớn dầu thô Tây Phi, đặc biệt là dầu Angola, đã được Unipec mua vào – nhu cầu tăng đáng kể sau Tết Nguyên đán”, một nhà giao dịch Trung Quốc tiết lộ. Unipec là công ty thương mại thuộc Sinopec – tập đoàn lọc dầu lớn nhất châu Á. Sinopec hiện chưa có phản hồi về vấn đề này.
Do các tàu vận chuyển dầu bị trừng phạt đang bị mắc kẹt trên biển, nhiều nhà giao dịch đã vội vàng chuyển sang thuê tàu khác, khiến chi phí vận chuyển tăng gấp nhiều lần, đội thêm hàng triệu USD vào giá thành mỗi chuyến hàng.
Ấn Độ cuống cuồng tìm giải pháp
Chi phí dầu thô tăng cao đang gây áp lực nặng nề lên các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ. Cuối năm ngoái, nước này đã chính thức chuyển hướng từ nguồn cung lâu đời ở Trung Đông sang mua nhiều dầu hơn từ Nga, khi Reliance Industries ký thỏa thuận cung cấp 10 năm với tập đoàn nhà nước Rosneft của Nga, trị giá khoảng 13 tỷ USD/năm.
Tuần này, Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ cho biết các nhà máy lọc dầu trong nước chỉ muốn mua dầu Nga từ các công ty và tàu không bị Mỹ trừng phạt. Điều này đã khiến số lượng lô hàng và tàu sẵn có giảm mạnh, theo nguồn tin từ các nhà máy lọc dầu Ấn Độ.
Với nguồn cung hạn chế từ các lô hàng "miễn trừng phạt", mức chiết khấu của dầu Urals của Nga so với dầu Brent giao ngay đã thu hẹp xuống còn 2,50-2,90 USD/thùng cho kỳ giao tháng 3, so với mức 3-3,50 USD/thùng trước khi Mỹ siết lệnh trừng phạt vào tháng 1. Điều này đồng nghĩa chi phí cho mỗi lô hàng 1 triệu thùng tăng đáng kể.
Giá dầu Nga tăng cao khiến chênh lệch giá giữa dầu Nga và dầu Trung Đông chỉ còn khoảng 3 USD/thùng, giảm mạnh so với mức 6-7 USD/thùng trước đây. Điều này khiến các nhà máy lọc dầu Ấn Độ không còn nhiều động lực để mạo hiểm đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp từ phương Tây.
Nga và Iran bị dồn ép, Trung Quốc cũng gặp khó
Các nhà giao dịch Ấn Độ đã từ chối đề xuất của tập đoàn vận tải dầu Sovcomflot của Nga, dù công ty này sẵn sàng nhận thanh toán bằng bất kỳ loại tiền nào, bao gồm cả rupee Ấn Độ, đối với dầu được vận chuyển trên các tàu bị trừng phạt. CEO của Sovcomflot đã gặp gỡ các khách hàng tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Ấn Độ, nhưng công ty từ chối bình luận về chủ đề này.
Tình trạng chậm trễ đã khiến lượng dầu Nga tồn trên tàu tăng thêm 17 triệu thùng kể từ ngày 10/1, theo báo cáo của Goldman Sachs ngày 5/2. Dự báo, con số này có thể đạt 50 triệu thùng trong nửa đầu năm 2025.
“Một lượng lớn dầu đang bị mắc kẹt trên biển. Có nhiều tàu chở dầu Nga neo đậu gần Sơn Đông và các cảng phía Nam Trung Quốc – những nơi vốn không phải là điểm nhập khẩu chính”, một Giám đốc cấp cao tại một công ty giao dịch dầu mỏ lớn toàn cầu cho biết.
Tỉnh Sơn Đông là trung tâm của các nhà máy lọc dầu tư nhân Trung Quốc, vốn là khách hàng chủ chốt mua dầu Nga bị trừng phạt, cũng như dầu từ Iran và Venezuela.
Ngoài ra, nguồn cung từ Iran cũng đang chịu sức ép. Mỹ đã siết chặt trừng phạt lên dầu thô Iran, khiến lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của Tehran – giảm mạnh. Tổng thống Donald Trump gần đây tuyên bố sẽ đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0 thùng/ngày.
Theo Goldman Sachs, kho dầu Iran tồn trên biển đã tăng thêm 14 triệu thùng kể từ đầu năm, lên mức cao nhất trong 14 tháng. Nếu lệnh trừng phạt được thực thi chặt chẽ hơn, sản lượng dầu Iran có thể giảm 1 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu Brent lên mức trên 80 USD/thùng vào tháng 5.
Nguồn dầu giá rẻ vào Trung Quốc bị thắt chặt, cộng thêm nhu cầu nội địa yếu, khiến nhiều nhà máy lọc dầu tư nhân chọn tạm ngừng hoạt động để bảo trì thay vì tiếp tục chế biến dầu không bị trừng phạt với mức lỗ 500 nhân dân tệ (khoảng 68,62 USD) mỗi tấn, theo một nhà giao dịch.
Trong khi đó, các tập đoàn lọc dầu nhà nước Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ né dầu Nga, do số lượng đối tác giao dịch và công ty bảo hiểm cho các thương vụ này ngày càng ít. Các cảng lớn như Thanh Đảo và Nhật Chiếu cũng đã siết chặt quy định nhập khẩu dầu bị trừng phạt.
Một nguồn tin ước tính rằng lượng dầu Nga xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giảm 700.000 - 800.000 thùng/ngày từ tháng 3, khi các miễn trừ trừng phạt hết hiệu lực. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là mức giảm ít nhất 70% so với tháng 1, theo dữ liệu từ Kpler.
Lời cảnh báo trước cơn bão
Vài tuần trước khi lệnh trừng phạt chính thức được công bố, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã được giới chức cảnh báo trước và tranh thủ mua dầu sớm, theo nguồn tin trong ngành.
Tại Trung Quốc, Tập đoàn Cảng Sơn Đông đã ban hành lệnh cấm các tàu bị trừng phạt cập cảng ba ngày trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Tuy nhiên, chưa rõ động thái này có liên quan trực tiếp đến lệnh trừng phạt hay không.
Các dấu hiệu khác cho thấy thị trường đã đoán trước biện pháp mới bao gồm nhu cầu mua dầu thô từ Trung Đông và châu Phi tăng mạnh từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như việc giới thương nhân ồ ạt thuê tàu chở dầu, đẩy giá cước vận tải tăng vọt.
Adi Imsirovic, Giám đốc công ty tư vấn Surrey Clean Energy và cựu thương nhân dầu mỏ của tập đoàn Gazprom (Nga), nhận định rằng lệnh trừng phạt có thể khiến xuất khẩu dầu Nga giảm tới 1,5 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn. "Dự báo duy nhất mà chúng ta có thể chắc chắn là thị trường sẽ ngày càng biến động hơn. Khi Chính phủ các nước ngày càng can thiệp sâu vào thị trường, sự biến động cũng sẽ gia tăng", ông nói.