Thương hiệu cho củ năng Pró

Củ năng, một loại củ giàu dinh dưỡng, dưới bàn tay chăm sóc của người nông dân đã đâm chồi, nảy mầm để có những vụ củ ngọt ngào. Củ năng cũng là thứ củ thoát đói giảm nghèo của nông dân Pró, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ðơn Dương. Và, Ðơn Dương đang hướng tới tương lai xa hơn bằng việc xây dựng thương hiệu cho củ năng Pró.

Ruộng củ năng mới bén rễ.

Ruộng củ năng mới bén rễ.

Chủ tịch UBND xã Pró, ông Châu Văn Kỳ cung cấp, toàn xã có 300 ha củ năng, chủ yếu là những vùng ruộng nước dồi dào, phù hợp để loại cây trồng này phát triển. Với diện tích ấy, mỗi năm Pró cung cấp cho thị trường từ 9-10 ngàn tấn củ năng tươi, một con số có thể nói là khá lớn. Với giá trung bình 15 ngàn đồng/kg, năng suất 30 tấn/ha, trồng củ năng cho thu nhập cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Cũng vì vậy, bà con Pró chuyển sang trồng củ năng 1 vụ, lúa 1 vụ rất nhiều. Củ năng thực sự đã mang lại cuộc sống ấm no hơn cho người Pró. Chị Bơ Nah Ria Nguyên Tiêu, cư dân thôn Đông Hồ, xã Pró cho biết, một sào lúa năng suất 1 tấn/năm, trừ chi phí chỉ còn 5 triệu. Còn trồng 1 sào củ năng, chỉ cần đạt năng suất 3 tấn là thu được 15-20 triệu/năm. Vì vậy, tất cả diện tích lúa nước có thể trồng củ năng, bà con đều chuyển sang trồng củ năng hết. Nhiều hộ xuống giống củ năng sớm, thu hoạch xong vẫn trồng thêm được vụ lúa muộn.

Củ năng thu nhập tốt hơn lúa nhưng thực sự, củ năng vẫn còn có thể đạt giá trị cao hơn, đó là trăn trở của nhiều người, nhiều cơ quan ở Đơn Dương. Và việc xây dựng thương hiệu cho củ năng Pró được đặt ra. Ông Trần Thanh Vũ, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đơn Dương chia sẻ, củ năng Pró bán khắp miền Nam nhưng không nhiều người biết, thứ củ giòn, ngọt họ đang sử dụng đến từ bàn tay người nông dân Đơn Dương. Xây dựng được thương hiệu, củ năng sẽ có thêm cơ hội được thị trường biết đến, giá cả sẽ ổn định hơn và việc tiêu thụ củ năng sẽ tốt hơn, giúp người nông dân tăng thu nhập. Đơn Dương đang tích cực quy hoạch vùng trồng, làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Điều khá hay với loại cây trồng này là dù thương hiệu đang trong giai đoạn xây dựng, việc tiêu thụ đã được đặt ra với sự ra đời của HTX củ năng Pró.

Giám đốc HTX củ năng Pró, ông Tôn Trung Sơn, quả là người gắn bó với củ năng. Vốn chỉ làm nghề thu mua củ năng, khi nghe vận động đồng thời muốn xây dựng vùng thị trường ổn định, ông Sơn chính là “đầu tàu” trong việc thành lập HTX độc nhất vô nhị này tại Đơn Dương. HTX có 40 thành viên với 40 ha củ năng, hầu hết đều là bà con người Chu Ru bản địa. Ông Sơn cung cấp, HTX sẵn sàng đầu tư cho xã viên như cho mượn tiền cày đất, cung cấp giống, phân không lấy lãi, tới mùa thu hoạch xã viên cung cấp cho HTX rồi mới trừ số còn thiếu. HTX thu mua theo giá thị trường và luôn nhỉnh hơn một chút, vì vậy riêng vụ năng 2020 HTX thu mua được gần 3 ngàn tấn củ, chiếm 1/3 sản lượng của cả vùng củ năng Pró.

Điều ông Tôn Trung Sơn trăn trở cũng trùng hợp với trăn trở của Đơn Dương, đó là làm sao tăng giá trị của củ năng. Củ năng Pró hiện chủ yếu vẫn cung cấp dưới dạng tươi, chưa qua chế biến, chỉ ở mức thu hoạch, rửa sạch, đóng bao và chuyển đi trong ngày. Ông Sơn cho biết: “Mục tiêu của HTX là phải chế biến củ năng sâu hơn chứ không chỉ bán tươi. Chúng tôi đang tính toán kế hoạch xây nhà xưởng, mua máy móc, kho lạnh để gọt củ năng theo size khách hàng đặt, giá cả củ năng sẽ tốt hơn nhiều. Thực sự đã có khách hàng đặt vấn đề liên kết nhưng chúng tôi chưa đáp ứng được do còn thiếu điều kiện nhà xưởng, kho lạnh”. Được biết, HTX củ năng Pró đã xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chứng chỉ VietGAP, đã đăng ký thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành và đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Thậm chí, HTX làm QR code để người tiêu dùng có thể định vị vị trí, vùng trồng của HTX. HTX đã bắt đầu đồng hành với người nông dân Pró trên con đường xây dựng thương hiệu, phát huy hiệu quả của giống cây trồng đặc thù trên vùng đất Đơn Dương.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202105/thuong-hieu-cho-cu-nang-pro-3058978/