Thương mại điện tử xuyên biên giới: Mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu rất cần giải pháp mang tính đòn bẩy, trong đó mấu chốt là các doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng.

Ngày càng có nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” được người tiêu dùng trên thế giới biết đến và sử dụng. Trong ảnh: Giới thiệu sàn thương mại điện tử quốc tế tới các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hà My

Vươn mình ra “biển lớn”

Nhận thấy xu hướng tất yếu trong việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, những năm qua, Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã chọn cách đưa sản phẩm công nghệ nano của mình ra thị trường thế giới thông qua các sàn thương mại điện tử lớn, như: Amazon, Alibaba, eBay…

“Nhờ xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ giao thương tốt, đồng thời đầu tư chuyên sâu cho công nghệ thông tin, việc kết nối trực tuyến với đối tác nước ngoài đạt hiệu quả tối đa. Không chỉ tăng doanh thu, sản phẩm của công ty còn có chỗ đứng tại 12 quốc gia, như: Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Canada, Italia, Đức, Australia, Angola, Brazil…”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh cho biết.

Đối với Công ty Thương mại và Xuất khẩu Spring Heritage Investment (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), việc tối ưu tiện ích thương mại trực tuyến được đặt lên hàng đầu. Ông Đinh Quốc Đạt, đại diện công ty cho biết, nhờ kết nối số, đáp ứng các quy chuẩn thương mại quốc tế và đặc biệt là bảo đảm chất lượng hàng hóa, tiến độ giao hàng, công ty đã từng bước lấy được lòng tin của nhà nhập khẩu. Từ những đơn hàng có giá trị vài nghìn USD, sau 3 năm phát triển, công ty đã đem về các hợp đồng xuất khẩu đồ gỗ có giá trị 700 nghìn USD tới thị trường Mỹ.

Với mức tăng trưởng lên tới 30%/năm, doanh số khoảng 15 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh quan trọng đưa doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thương mại toàn cầu, tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa. Ngoài việc kết nối trực tiếp với khách hàng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã lựa chọn lên sàn thương mại điện tử quốc tế.

Theo Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam Trần Xuân Thủy, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử Amazon để kết nối với hơn 300 triệu khách hàng trên toàn thế giới mà không phải qua khâu trung gian. Qua đó, các sản phẩm “Made in Vietnam” được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến và sử dụng.

Đánh giá về xu hướng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, việc đẩy mạnh thương mại điện tử toàn cầu giúp doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Sản phẩm nano của Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (quận Hoàng Mai) được xuất khẩu đi 12 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Hải Lý

Tạo đòn bẩy cho thương mại điện tử phát triển

Các nghiên cứu mới đây dự báo, năm 2022, giá trị thương mại điện tử toàn thế giới sẽ đạt khoảng 3,3 nghìn tỷ USD, gấp 6 lần so với thương mại truyền thống. Việc các doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu hướng, từng bước kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu là rất đáng ghi nhận. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có khoảng 11% doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn thương mại điện tử, 35% doanh nghiệp thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải, những nguyên nhân chính của tình trạng trên là: Kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử của một số doanh nghiệp còn hạn chế; hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp chưa phát triển; gặp rào cản về ngôn ngữ…

Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, để tạo đòn bẩy cho thương mại điện tử phát triển, giúp doanh nghiệp thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu, cần tạo hệ thống thể chế phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng, hình thành hệ sinh thái cho thương mại điện tử và nền kinh tế số.

Còn ông Đỗ Hữu Hưng, chuyên gia thương mại điện tử nêu ý kiến, cần xây dựng một số trang thương mại điện tử tầm cỡ quốc gia, gắn với thương hiệu hàng Việt Nam để người tiêu dùng toàn cầu dễ dàng tìm kiếm, đồng thời tạo nền tảng thương mại trực tuyến cho doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu hàng hóa, vươn mình ra thị trường quốc tế.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lưu Hải Minh kiến nghị, Nhà nước tạo thuận lợi hơn nữa về thuế, chi phí cảng biển, kho bãi, thanh toán quốc tế…, để tăng tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng thông tin: “Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay”.

Cụ thể, Bộ sẽ thực hiện tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất, nhập khẩu, khai thác tốt và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng làm việc với các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, qua đó xác định rõ các mặt hàng có lợi thế nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy để xác lập vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hà Thư

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/978652/thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-mo-loi-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau