Thương mại quốc tế lao đao vì khủng hoảng ở biển Đỏ: Cần lối đi an toàn cho hàng hóa
Những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái tại biển Đỏ kéo dài nhiều tháng và chưa có dấu hiệu chấm dứt, đã buộc các hãng vận tải thương mại phải tính tới những 'đường tránh' ổn định và bền vững hơn nhằm bảo đảm dòng chảy hàng hóa tới được đích mà không phải đi qua khu vực bất ổn quanh eo biển Bab el-Mandeb.
Những ngày qua, quân đội Mỹ tiếp tục bắn phá các mục tiêu của Houthis ở Yemen nhằm hạn chế khả năng tấn công của lực lượng này nhằm vào tàu thuyền được cho là liên quan tới Israel trên biển Đỏ. Mặt khác, dường như Houthis cũng đang thay đổi mục tiêu tấn công khi nhằm vào các tàu chở dầu - xu hướng được đánh giá là có thể bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế thế giới. Diễn biến ngày càng phức tạp đòi hỏi các nhà vận chuyển hàng hóa thương mại phải chật vật “tìm lối đi riêng”.
Mối đe dọa hiển hiện khiến các công ty vận tải biển lớn trên thế giới như Maersk của Đan Mạch, Hapag-Lloyd AG của Đức, cũng như Tập đoàn Dầu khí BP phải tạm thời đình chỉ việc gửi tàu qua biển Đỏ và Kênh đào Suez. Thực tế này đe dọa đóng cửa một tuyến đường thương mại quan trọng kết nối châu Á và châu Âu. Một trong những hướng mới được lựa chọn nhiều nhất là tuyến đường dài hơn vòng qua Mũi Hảo Vọng châu Phi. Tính đến ngày 16-1, khối lượng hàng hóa đi qua Kênh đào Suez (nối biển Đỏ với biển Địa Trung Hải) đã giảm 37%, trong khi lượng hàng hóa đi qua Mũi Hảo Vọng (châu Phi) đã tăng 54%. Dù việc vòng vèo khiến các hành trình Á - Âu kéo dài thêm từ 10 đến 14 ngày và chi phí mỗi tàu tăng lên khoảng 1 triệu USD, nhưng đưa hàng hóa tới đích là mục tiêu quan trọng nhất.
Những tuyến đường bộ cũng là một lựa chọn mới được các nhà vận tải quan tâm. Hãng tin Bloomberg trích lời ông Hanan Fridman, Giám đốc điều hành Trucknet cho biết, công ty này đang cố gắng tránh biển Đỏ bằng cách gửi thực phẩm, nhựa, hóa chất và đồ điện từ các cảng ở Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bahrain, qua Saudi Arabia, Jordan, tới Israel và xa hơn tới châu Âu. Tuyến đường này trước đây chưa được thử nghiệm ở quy mô thương mại do mối quan hệ căng thẳng giữa Israel và các quốc gia Ả rập, nhưng giờ đây trở thành lựa chọn bắt buộc. Hàng hóa của Trucknet nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng dần chuyển sang vận chuyển bằng xe tải.
Khai phá các tuyến đường bộ xuyên Trung Đông cũng là lối đi được nhiều doanh nghiệp châu Âu đề cập tới trong nỗ lực duy trì kênh hàng hóa đi lại với Trung Đông và châu Á. Tập đoàn Hapag-Lloyd AG hiện tìm cách kết nối Cảng Jebel Ali ở Dubai (UAE) và hai cảng phía Đông của Saudi Arabia với Jeddah trên bờ biển phía Tây bằng đường bộ. Các chuyến xe từ Cảng Jebel Ali đến cửa ngõ thương mại Haifa của Israel chỉ mất khoảng ba đến bốn ngày thay vì hành trình trên 10 ngày nếu đi qua Mũi Hảo Vọng. Thời gian rút ngắn là một yếu tố hấp dẫn, nhưng giới chuyên môn cho rằng, hiệu quả tổng thể chưa cao. Phát ngôn viên của Hapag-Lloyd AG cũng thừa nhận, các tuyến đường bộ mới chỉ giúp chủ hàng vận chuyển một lượng hàng hóa hạn chế, chứ không phải là hàng nghìn container như đường biển. Bên cạnh đó, tính khả thi lâu dài của tuyến đường bộ xuyên Trung Đông lệ thuộc vào sự ổn định địa chính trị của một khu vực vốn đầy rẫy bất ổn, đồng nghĩa nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, ý tưởng về một tuyến vận tải đường bộ quy mô lớn xuyên Trung Đông rất khả quan, bởi đây là một phần trong dự án Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC). Được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ năm 2023, dự án này do Mỹ hậu thuẫn này có mục tiêu cạnh tranh với “Vành đai, Con đường” do Trung Quốc khởi xướng, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đáng kể của các quốc gia khu vực, thậm chí đình trệ kể từ khi xung đột mới tại Gaza bùng phát. Tuy nhiên, việc các cuộc tấn công của Houthis tạo ra mối đe dọa hàng hóa qua biển Đỏ, các nỗ lực triển khai hành lang mới có thể được thúc đẩy mạnh mẽ. Nếu kịch bản này trở thành hiện thực, tuyến đường nối Jordan, Israel, Saudi Arabia và UAE sẽ được quan tâm đầu tư, tiến tới giữ vai trò một “đường tránh” hiệu quả.
Khi những giải pháp thay thế tạm thời chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, ưu tiên lớn nhất lúc này vẫn là các bên liên quan tới xung đột trên biển Đỏ cần kiềm chế và hạn chế các hành động làm gia tăng căng thẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán tìm ra tiếng nói chung, bảo đảm dòng chảy thương mại quốc tế được thông suốt.