Thương mại xanh để bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Sáng 1/7, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng và một số đơn vị tổ chức Diễn đàn Thương mại Xanh 2025.
Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thảo luận về xu hướng thương mại xanh, thúc đẩy phát triển bền vững.

Diễn đàn Thương mại xanh 2025 thu hút các chuyên gia và doanh nghiệp tham dự. Ảnh: H.H
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới – nơi phát thải carbon thấp, tiêu chuẩn ESG và khả năng truy xuất minh bạch không còn là lựa chọn mà là điều kiện bắt buộc.
Lý do, một trật tự thương mại toàn cầu mới đang hình thành, trong đó xu hướng tiêu dùng xanh và các rào cản kỹ thuật môi trường đang định hình lại luật chơi.
Đơn cử như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu đã chính thức bước vào giai đoạn đầu áp dụng. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU phải minh bạch dữ liệu phát thải, đồng thời đảm bảo quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: H.H
Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Việt Nam cần phải thích ứng nhanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu. Thương mại xanh là xu hướng không thể đảo ngược”.
Bà Thắng cho biết, Bộ Công thương đã xây dựng kế hoạch phát triển thương mại xanh đến năm 2030, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) và logistics là hai lĩnh vực được đặt trọng tâm.
Cụ thể: Tỷ lệ sản phẩm TMĐT sử dụng bao bì nhựa sẽ giảm còn tối đa 45%; tỷ lệ bao bì tái chế trong TMĐT đạt ít nhất 50%; doanh nghiệp ứng dụng năng lượng sạch trong logistics TMĐT đạt tối thiểu 40%; it nhất 50% doanh nghiệp TMĐT áp dụng tiêu chuẩn chuỗi cung ứng xanh.
Một trong những giải pháp then chốt là thúc đẩy hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh, nơi doanh nghiệp có thể giao dịch minh bạch, truy xuất nguồn gốc, kết nối trực tiếp với các đối tác trong và ngoài nước. “Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp ‘xanh hóa’ chuỗi cung ứng một cách dễ dàng, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, bà Thắng nói.

Đại diện doanh nghiệp nói về thương mại xanh. Ảnh: H.H
Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào ba trụ cột chính để thúc đẩy thương mại xanh: hoàn thiện thể chế, tăng cường công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại bền vững; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho từng lĩnh vực; và rà soát các rào cản kỹ thuật không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Cùng với đó, công nghệ số sẽ là “đòn bẩy” giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất – kinh doanh, giảm phát thải, và nâng cao khả năng cạnh tranh. Việc ứng dụng Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp doanh nghiệp giám sát hiệu quả chuỗi cung ứng, kiểm soát chất lượng sản phẩm và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Đặc biệt, Bộ Công thương đề xuất xây dựng các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT xanh. Các hỗ trợ có thể bao gồm: đào tạo kỹ năng số, hướng dẫn tích hợp công cụ truy xuất nguồn gốc xanh, tư vấn chuẩn ESG và tiếp cận tài chính xanh.
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của liên kết chuỗi cung ứng nội địa. Các doanh nghiệp đầu tàu cần dẫn dắt và hỗ trợ các nhà cung cấp trong hệ sinh thái của mình cùng “xanh hóa”. Việc đồng bộ các mắt xích trong chuỗi sẽ giúp giảm “dấu chân carbon” một cách hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là xây dựng văn hóa tiêu dùng xanh trong xã hội. Theo các chuyên gia, chính người tiêu dùng sẽ là lực đẩy lớn nhất để thị trường chuyển mình. Khi người dân ưu tiên sản phẩm xanh, doanh nghiệp sẽ buộc phải thay đổi. Do đó, cần ưu tiên nguồn lực để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo ra hành vi tiêu dùng có trách nhiệm.