Thương mùa nước đổ

Tiếng mưa tí tách rớt xuống đêm vắng. Hơi gió lạnh luồn qua ô cửa sổ. Tiếng tivi phát bản tin dự báo thời tiết gợi lên nỗi âu lo xa vắng. Miền Trung vào mùa nước đổ - mùa của những tất bật lo toan hằn sâu lên quầng mắt người dân quê lam lũ. Lụt bão rồi sẽ đi qua, nắng ấm lại về. Duy chỉ miền ký ức rưng rức thương ngày mưa cứ kế nối từ thế hệ này qua thế hệ khác…

Huynh nhắn cho tôi, quê mình lại vào mùa nước đổ rồi, chẳng mấy chốc mà đám ruộng nơi này ngập sâu hàng mét, mênh mông như biển. Dù vậy, ngôi trường thôn vừa được đầu tư năm trước vẫn khô ráo nên học trò vẫn đến lớp đều đặn. Cũng như mọi năm, thầy trò vượt nước mà đến trường. Năm trước, Tổ chức tầm nhìn Thế giới hỗ trợ bà con trong thôn một chiếc ghe lớn, đủ để thầy giáo cùng hai phụ huynh và hơn chục đứa học trò đi một chuyến, không phải ghe nhà ai nhà ấy đưa con đi học nữa.

Tôi bật điện thoại, đọc dòng tin nhắn của Huynh trong đêm tối. Mưa vẫn ào ạt đổ. Chiều nay, thành phố vừa có công văn gửi các trường chủ động cho học sinh nghỉ học tránh lũ ập đến bất ngờ. Ký ức những năm tháng học trường làng mỗi mùa nước đổ lại ùa về.

Học trò Vùng Càng (Hải Lăng, Quảng Trị) đi học vào mùa nước đổ…

Học trò Vùng Càng (Hải Lăng, Quảng Trị) đi học vào mùa nước đổ…

Ngày đó chúng tôi đứa nào cũng gầy thó, đen nhẻm. Đường đến trường toàn bùn đất. Học sinh đi học phải cuốc bộ. Hôm nào trời mưa, mẹ quàng tấm ni-lông lên đầu, trùm tròn một vòng qua cổ tạo nên chiếc mũ, chúng tôi thu lu ôm chặt chiếc cặp sách ngang ngực tránh mưa ướt rồi đến trường. Có bận lội bùn khiến dép đứt quai, đi chân trần. Ngày mưa đến lớp, cô giáo chờ sẵn trên bậc cửa, nhẹ nhàng cởi tấm ni-lông giúp từng đứa, rũ mạnh tay cho những hạt nước rơi ra xa rồi cẩn thận vắt lên song cửa sổ. Tan học, trò lóng ngóng lại được cô giáo buộc ni-lông giúp, bàn tay nhẹ nhàng như bàn tay mẹ. Có hôm mưa lớn, lũ chắn ngang đường, cả cô cùng trò lội bộ, đoạn nước xiết, cô đứng lại dắt tay từng đứa đi qua. Nụ cười cứ thế vang dọc đường làng.

Mùa mưa ở quê ngày đó, âu lo thường hiện rõ trên mỗi gương mặt người dân, cả trong cái trở mình giữa đêm, trong cơn mưa ràn rạt. "Mưa này khéo mai lụt, mai ra ruộng bới hết đám khoai non may ra còn ăn được, thêm một đêm mưa nữa rồi khoai non sẽ bốc mùi thum thủm"- mẹ tặc lưỡi nhắc cha.

Những đận mưa lớn, nước tràn vào nhà. Cha mẹ kê cao bàn ghế để lấy chỗ tránh lụt. Cũng có những lúc nước ngập quá cao, những đứa trẻ được cha mẹ di chuyển trên chiếc bè chuối tìm đến nhà cao nhất xóm để tá túc. Lũ lụt thiếu thốn bủa vây, cơm gạo vơi dần, duy chỉ có sự đùm bọc, gắn bó của bà con lối xóm càng đầy lên. Bà con chia nhau bát cơm trắng muối vừng, gói khoai ngào nấu vội bằng mớ củi ướt nhẹp vừa vớt được trên mặt nước, lửa cháy đến đâu nghe tiếng xèo xèo của nước đến đó.

Sau mỗi mùa lũ đi qua, mọi người chung tay giúp nhau dọn dẹp hậu quả của lũ để lại. Trường lớp lại xôn xao tiếng nói cười. Người vùng lũ dù nghèo khó đến đâu vẫn luôn vững một niềm tin rằng ông trời không lấy đi hết của ai bao giờ. Niềm tin đó đã giúp người dân đi qua bao mùa bão lũ, nụ cười có lúc héo rồi lại vẫn tươi vui. Chừng ấy, đủ vun lên trong mỗi đứa trẻ quê một miền ký ức, thăm thẳm yêu thương, thăm thẳm nhớ nhung. Để rồi, lớn lên dù ở đâu, nghe tiếng mưa cũng nôn nao một nỗi nhớ nhà.

Hôm thành phố ngập lụt, cõi mạng xôn xao những dòng tin về nơi này, nơi kia nước đang dâng. Trong đêm tối, dòng nước cuồn cuộn, các chiến sĩ công an, quân đội khẩn trương giúp dân tránh lũ, nhiều mạnh thường quân đã chung tay, đồng hành. Mưa ngớt, hàng ngàn thanh niên, sinh viên đang theo học trên địa bàn thành phố ra quân. Tiết học thực tế không sách vở, giáo án, không giảng đường. Họ chia nhau giúp dân sửa sang lại chiếc xe máy làm phương tiện mưu sinh, nhóm khác dọn bùn, dọn rác; nhiều mạnh thường quân nhóm lửa nấu nồi súp nóng tiếp sức cho bà trong ngày dài dọn dẹp cửa nhà…

Nắng lên, quê, phố lại xanh, màu xanh yên bình. Mùa nước đổ, người miền Trung hứng hết trận lũ này đến cơn bão khác, bất định thời gian. Ai cũng biết sau lũ lụt, nhiều thứ phải sắm lại từ đầu, khó khăn dày thêm một chút nhưng tiếng thở dài trong đêm mưa đâu đó cũng chỉ như sự chấp nhận quy luật tự nhiên. Mai kia lũ rút, con người qua bao nhiêu mệt nhọc vì hậu quả thiên tai vẫn mỉm cười hướng về phía trước. Thắc mắc khó lý giải nhất của nhiều người sau một lần chứng kiến sự tàn phá của thiên tai với mảnh đất này không gì khác đó chính là tình yêu quê xứ. Tình yêu tạo nên sự gắn bó, lạc quan và kiên cường.

Sống qua những mùa lũ ở xứ này mới thấy hóa ra hạnh phúc nhiều khi không phải là dư giả áo cơm, tưng bừng cao lương mỹ vị. Hạnh phúc đôi khi, chỉ đơn giản là nhận được từ người dưng, của hàng xóm láng giềng sự sớt chia giữa lúc khốn khó bủa vây. Có lẽ thế, ai cũng thấy yêu và gắn bó với khúc ruột quê mình. Thương nhau hơn qua những mùa nước đổ!

Tản văn: Vĩnh Yên

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/thuong-mua-nuoc-do-post301643.html