Thương tiếc một 'báu vật sống' ra đi

Theo cố GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, những người mang trong mình nhiều giá trị khoa học - văn hóa - nhân văn và kinh nghiệm trải nghiệm trong đời sống, ấy là 'báu vật sống'; cần trân trọng, bảo vệ, động viên, nhân rộng; nếu để mai một thực là sự lãng phí lớn về nhân lực, hơn cả lãng phí về tiền bạc, của cải.

Cao Văn Vĩnh tại Tọa đàm khoa học về di sản văn hóa thành phố Biên Hòa ngày 17- 12-2023.

Cao Văn Vĩnh tại Tọa đàm khoa học về di sản văn hóa thành phố Biên Hòa ngày 17- 12-2023.

Với cách nghĩ như thế, nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Vĩnh là một “báu vật sống”, đột ngột ra đi ngày 2-6-2024 ở độ tuổi còn giàu năng lực sáng tạo.

Anh khiêm cung tự nhận mình là một “thợ gốm”, nhưng thực là người thợ bậc thầy về nghề gốm, văn hóa gốm, từ việc sưu tập, nghiên cứu đến việc tái hiện, sáng tạo. Anh là người “xuôi ngược dòng sông suốt thời trai trẻ, để tìm kiếm tài nguyên, nhặt nhạnh dấu xưa còn lại” mong làm được điều gì đó cho mảnh đất ven sông Đồng Nai yêu quý. Và anh đã làm được nhiều hơn mong ước.

Anh là người đã góp công lớn trong việc phục hiện men màu gốm đặc thù: Men xanh trổ đồng Biên Hòa; người đầu tiên tái tạo phiên bản “trút đồng” có giá trị bảo vật quốc gia bằng gốm; đặc biệt là người đầu tiên sáng tạo phác thảo tượng gốm Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh (mặc dù sau này tái hiện bằng tượng đồng ẩn danh Cao Vĩnh).

Cao Vĩnh được đánh giá là một chuyên gia có kiến văn uyên thâm về chữ nghĩa thánh hiền; kỳ công trong việc giúp các tỉnh thành: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Long An, Bình Dương, Bình Phước… giải mã chữ nghĩa của ông bà xưa ở các nhà cổ, đình, chùa, miếu, mộ. Người Hà Tĩnh tri ân Cao Vĩnh về việc sưu tập, tôn vinh thơ văn cổ của tiền nhân về Kỳ La - Thiên Cầm. Di sản phi vật thể quốc gia Chùa Ông cù lao Phố biết ơn nhà nghiên cứu Cao Vĩnh đã kiên trì, tận tâm trong việc giải mã 8 bài thi họa khó hiểu ở mái chùa; xứ Biên Hòa - Đồng Nai đang mong đợi kết quả sưu tập, nghiên cứu, làm rõ hệ thống chữ nghĩa Hán Nôm lưu truyền ở địa phương. Tiếc thay, công trình dở dang!

Người xứ Biên Hòa - Đồng Nai biết đến Cao Vĩnh là một nhà nghiên cứu văn hóa bình dân, thẳng tính và tận tâm, uyên bác trong đầu, nhiệt huyết trong tim, chân lấm tay bùn. Họa sĩ Mai Văn Nhơn xem anh là kho tư liệu sống, là bậc thầy khiêm tốn về Hán Nôm, mỹ thuật anatony. Thạc sĩ Trần Quang Toại đánh giá: “Cao Vĩnh: Nho thâm sâu như biển, Việt dày dặn tợ non; chữ như rồng, văn như phượng; cho chữ đâu màng đến lợi danh”. Câu lạc bộ Người Biên Hòa - Đồng Nai dừng lại dự tính giao lưu, học tập ở anh.

Thương lắm! Tiếc quá! Thương tiếc không nguôi, đọng lại trong lòng:

Ơn anh!

Người đi xuôi ngược dòng sông

Dấu xưa nhặt nhạnh, tượng Ông để đời.

Nhớ anh!

“Gặp lúc vểnh râu: Sáng ra oai thầy đồ thầy đạc

Cả đời vọc đất: Chiều vô xưởng làm ngựa làm trâu”.

Theo lời anh!

“Người tư duy để nhìn, nghe, suy tưởng

Người lao động để vươn mình xây dựng”!

Kính anh!

CAO thiệt cao: Đăng cao vọng viễn

VĨNH dài lâu: Bất hủ vĩnh thùy.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/thuong-tiec-mot-bau-vat-song-ra-di-f951609/