Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số
Sáng ngày 19/7, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành cùng dự.
Tại hội nghị, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã thông tin sơ lược kết quả 2 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định, còn 51 nhiệm vụ chậm tiến độ.
Để thực hiện hiệu quả hơn về chuyển đổi số, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo giải pháp xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số. Theo mục tiêu đề ra về cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành phải có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 80% vào năm 2025; các địa phương có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 95% vào năm 2025. Về hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đến năm 2025, các bộ, ngành phải đạt 85%; các địa phương phải đạt tối thiểu 60%. Về hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đến cuối năm 2025, 100% các bộ, ngành, địa phương đạt mức A. Về khai thác, chia sẻ dữ liệu, cuối năm 2024, 100% các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc hoạch định và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung. Về kinh tế số, đến năm 2025 có trên 20 ngàn doanh nghiệp công nghệ số. Về xã hội số, mục tiêu đến 2025 tỷ lệ người dân trưởng thành có sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt 50%.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phân tích, đánh giá khách quan về nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra nhưng thực hiện chậm tiến độ, từ đó có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số. Bộ trưởng, thủ trưởng ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải dành thời gian, công sức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện về thể chế, hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực số, phát triển dữ liệu số. Trong thực hiện chuyển đổi số phải triển khai đồng bộ, linh hoạt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dây dưa kéo dài, dàn trải. Trên cơ sở giải pháp xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số đã được triển khai, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện, không trông chờ, không hình thức để đạt mục tiêu, hiệu quả đề ra.