Thượng tướng Đào Đình Luyện - Người anh cả của phi công tiêm kích Việt Nam (Kỳ 1)
Thượng tướng Đào Đình Luyện (1929 – 1999), Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Là người đã đi suốt chiều dài các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; trực tiếp tham gia các trận đánh lớn và chiến dịch tiêu biểu nhất của Quân đội ta.
Ảnh do tác giả cung cấp.
Đó là Chiến dịch Thu Đông 1947, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ (1964 - 1968), chiến dịch chống pháo đài bay B.52 của Mỹ (1972) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975)… Ông là một vị tướng nổi tiếng trí dũng và nhân nghĩa.
Căn cứ những tài liệu do thân nhân gia đình cố Thượng tướng Đào Đình Luyện cung cấp, chúng tôi xin phép được biên soạn lại, giới thiệu phần đóng góp của ông liên quan đến chủ đề “Phi công Mỹ ở Việt Nam”. Bởi Đào Đình Luyện là người được Quân đội cử đi phụ trách và trực tiếp học lái máy bay chiến đấu lớp đầu tiên; đồng thời, cũng là Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của Việt Nam. Ông đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Binh chủng Không quân trong thời gian cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân Mỹ ác liệt nhất… Đào Đình Luyện rất xứng đáng được đồng đội tôn vinh là “Người anh cả” của “gia đình” Phi công tiêm kích Việt Nam.
Nói cách khác, Tướng Đào Đình Luyện là Tư lệnh của những chiếc MIG – đối thủ trực tiếp và đáng kính nể của các Phi công Mỹ trên bầu trời Việt Nam trong chiến tranh… Ông đã trực tiếp chỉ huy hàng trăm trận không chiến ác liệt và nổi tiếng nhất giữa lực lượng Không quân non trẻ của Việt Nam với lực lượng Không quân nhà nghề Mỹ - một đối tượng tác chiến dày dạn kinh nghiệm, có số lượng đông, được huấn luyện bài bản, có trang bị kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới. Và Tướng Không quân Đào Đình Luyện đã dành thắng lợi, khiến cho đối phương phải “tâm phục khẩu phục”.
TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG TRUNG ĐOÀN KHÔNG QUÂN TIÊM KÍCH ĐẦU TIÊN
Đào Đình Luyện, tên thật là Đào Mạnh Hùng, sinh ngày 5 tháng 11 năm 1929 tại làng Phụng Công, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống Cách mạng. Bố đẻ là Đào Văn Huống và chú ruột là Đào Văn Hiển đều là Đảng viên Cộng sản 1930. Từ nhỏ, cậu bé Hùng đã tỏ rõ sự thông minh hơn người, có trí nhớ tốt và học rất giỏi; hết trường làng, lên trường huyện và trường tỉnh Thái Bình…
Tháng 8 năm 1945, trong không khí hào hùng của Mùa Thu Cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, khi mới 16 tuổi, anh thanh niên Đào Mạnh Hùng đã đổi tên thành Đào Đình Luyện và xung phong vào bộ đội. Chỉ vài tháng sau, vào tháng 10 năm 1945, Đào Đình Luyện đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và dù còn rất trẻ, nhưng những năm 1945 – 1946 anh đã thoát ly gia đình và được giao giữ chức vụ Chính trị viên Trung đội Bộ đội địa phương tỉnh Thái Bình.
Kháng chiến bùng nổ, Đào Đình Luyện cùng đơn vị hành quân đi chiến đấu và trực tiếp tham gia những trận đánh ác liệt nhất trong 9 năm chống Pháp. Từ năm 1947 đến 1952 Đào Đình Luyện là Chính trị viên Đại đội 247, Chính trị viên Tiểu đoàn 11 Đại đoàn 308. Tháng 3 năm 1953, là Phó Chính ủy rồi Chính ủy Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 sau đó là Phó Chủ nhiệm Chính trị rồi tham mưu trưởng Đại đoàn 312… Trong gần chục năm xa nhà ấy, Đào Đình Luyện không một lần về thăm, cũng không nhắn gửi và thư từ. Gia đình chỉ biết anh còn sống và trưởng thành rất nhanh, qua tin tức của bạn bè, đồng đội: Từ một chính trị viên Trung đội bộ đội địa phương trở thành Chính trị viên Đại đội, Tiểu đoàn, rồi Phó chủ nhiệm Chính trị, Tham mưu trưởng Đại đoàn…
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, bà con Quỳnh Phụ - Thái Bình cùng gia đình và người vợ thủy chung đã vui mừng và vinh dự được đón Đào Đình Luyện - một cán bộ chỉ huy dũng cảm và mưu trí của Quân đội về thăm quê.
Để chuẩn bị đội ngũ xây dựng lực lượng cho binh chủng mới, ngay sau Chiến thắng Điện Biện Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, Việt Nam đã bắt đầu lựa chọn những cán bộ, sĩ quan, thanh niên ưu tú nhất, gửi ra nước ngoài đào tạo phi công, để chuẩn bị việc thành lập lực lượng Không quân nhân dân.
Tháng 3 năm 1956, đã có 110 người Việt Nam đầu tiên, được chọn lựa kỹ càng từ nhiều đơn vị, để đi ra nước ngoài học lái máy bay quân sự. Và Đào Đình Luyện cũng là cái tên đầu tiên được xếp trong danh sách ấy. Nguyên là Tham mưu trưởng một Đại đoàn nổi tiếng, thời gian đầu, anh được giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm học viên phi công phi công lái máy bay ném bom loại Tu-2, ở Học viện Không quân số 2 (Trường Xuân, Trung Quốc). Một nhóm khác gồm 50 người do đồng chí Phạm Dưng phụ trách cử đi học lái máy bay tiêm kích MiG-17. Một nhóm nữa, do đồng chí Phạm Đình Cương phụ trách đi học lái máy bay vận tải Ilyushhin Il-14 và Li-2 ở Liên Xô… Một thời gian sau, do yêu cầu của cấp trên, đồng chí Phạm Dưng được giao nhiệm vụ phụ trách nhóm huấn luyện máy bay Li-2 và trực thăng Mi-4; nên toàn bộ các học viên lái tiêm kích MiG-17 đã được giao lại cho Đào Đình Luyện phụ trách cho đến hết khóa học.
Sau này, Đại tá Lưu Huy Chao, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu học viên lái máy bay tiêm kích MiG-17 đã kể lại những câu chuyện thú vị: Chúng tôi được lệnh tập trung về Cát Bi (Hải Phòng) để học lý luận chính trị và ngoại ngữ cấp tốc trong thời gian một tháng rưỡi. Thời gian quá ngắn, chỉ đủ để nhớ được mấy tiếng chào hỏi thông thường, chứ đừng nói gì đến thuật ngữ kỹ thuật chuyên môn hiện đại. Rồi mỗi anh được cấp trên cho tranh thủ 5 ngày phép về thăm nhà, để tạm biệt cha mẹ vợ con, nhưng với yêu cầu bí mật không được tiết lộ chuyện đi học làm phi công, mà phải nói tránh là “công tác xa dài ngày”. Trước khi chính thức sang Trung Quốc, mỗi người được phát một chiếc va ly da và bộ đồ công nhân màu xanh. Tới Bằng Tường, chúng tôi chuyển tàu đến Học viện Không quân số 3 ở tỉnh Liêu Ninh - Trung Quốc. Hồi đó, đây là nơi đào tạo phi công cho các nước Triều Tiên, Anbani và Việt Nam...
Cuối tuần, học viên thường được phép ra ngoài phố “xả hơi”. Dù ngoại ngữ bập bõm, muốn diễn đạt điều gì với dân địa phương, phải vừa nói vừa ra hiệu hết sức vất vả, mà người nghe vẫn không hiểu, nhưng chúng tôi vẫn thích đi. Nhiều lần, mấy anh em còn liều lĩnh rủ nhau nhảy tàu lên tận Bắc Kinh chơi.
Ngày đó, người ta bảo cứ thấy mấy anh chàng mặc đồ học viên bay, đi nghênh ngang ngoài phố, ngó nghiêng, chỉ chỏ... thì đích thị là bộ đội Việt Nam. Còn nhớ, học viên Trần Đình Lộc, ngoại ngữ kém, nhưng lại hay la cà nhất, có lần bị Công an bạn bắt vào đồn. Sau họ biết là học viên trường không quân nên mới được thả ra.
Một lần vào dịp Tết Nguyên đán, theo phong tục truyền thống, chúng tôi kéo xuống khu gia đình giáo viên chúc Tết. Thấy một phụ nữ đang bế cháu bé chừng mấy tháng tuổi. Một anh bạo mồm, ra vẻ thành thạo ngoại ngữ, đã vồn vã chào hỏi rất lễ phép. Nhưng chỉ thấy chủ nhà lắc đầu cười muốn rơi nước mắt. Thì ra, cấu trúc ngữ pháp tiếng Trung Quốc ngược với tiếng Việt. Lẽ ra, anh bạn phải nói: “Đây có phải là con của thầy giáo không?”, thì anh ấy lại hỏi: “Đây có phải là con tôi không?”
Một lần khác, nhân ngày nghỉ các học viên được thông báo: Tất cả chuẩn bị đi “bắt rận cho cừu”! Sao lại là “bắt rận cho cừu”? Ở đây làm gì có cừu mà bắt rận nhỉ? Thì ra, người địa phương nói “bải chai”, có nghĩa là “cải trắng”. Đi thu hoạch cải trắng, mà lại bị dịch là “bắn rận cho cừu” thì đúng là chuyện dở khóc dở cười thật.
Nhưng đó là một thế hệ học viên phi công tiêm kích mang tính lịch sử. Nhiều người trong số họ thực sự là “những anh nông dân được vinh dự ngồi lên buồng lái máy bay phản lực”. Hầu hết họ là những anh trai làng giàu nhiệt tình Cách mạng, hăng hái đi tham gia kháng chiến, văn hóa trung bình thường mới chỉ học xong lớp 7 đã là may mắn lắm.
Học viên Nguyễn Văn Bảy, người miền Nam tập kết, là một ví dụ điển hình như thế. Trước hết, là vấn đề thử thách của tiền đình với sức khỏe. Dù đã tập luyện nhiều tháng trời với chiếc vòng xoay 360 độ, nhưng suốt 7 năm học, mỗi khi lên máy bay, Bảy vẫn phải mang theo bên mình một cái ruột quả bóng đá, được khoét một lỗ miệng rộng để thay túi chứa đồ nôn thoải mái... Vậy nhưng, Nguyễn Văn Bảy vẫn kiên quyết không bỏ cuộc, chấp nhận thử thách cho tới năm cuối cùng thì hiện tượng anh bị nôn mỗi khi máy bay cất cánh mới hết. Thứ hai, là vấn đề trình độ văn hóa của Bảy rất hạn chế. Nghe nói, khi được tuyển đi học phi công anh đã không giấu giếm là mình xuất thân “Hai Lúa”, văn hóa mới chỉ được học tương đương... lớp 4. Bởi thế, dù các chuyên gia đã giảng giải rất cặn kẽ, mà anh Bảy vẫn không sao hiểu được định luật Béc-nu-li (Bernoulli): Thế nào khí động học, là cơ học chất lưu (hay còn được gọi là cơ học thủy khí), thế nào là sự cân bằng và chuyển động của các phần tử vật chất vô cùng nhỏ, có thể dễ dàng di chuyển và va chạm với nhau trong không gian? Mãi sau này, trong một trận chiến đấu ác liệt với Không quân Mỹ, máy bay của anh bị thủng một lỗ to bằng bàn tay xòe cạnh buồng lái. Theo phản xạ, Bảy lấy tay bịt lại lỗ thủng, ngay lập tức, anh bị gió hút chặt như muốn kéo tuột cả người ra ngoài...
Sau lần may mắn hút chết ấy, anh Bảy cười và tuyên bố: “Giờ thì tao đã hiểu thế nào là định luật Béc-nu-li rồi!”. Và anh “Hai Lúa” Nguyễn Văn Bảy đã làm được điều phi thường, nổi tiếng cả thế giới: Bắn rơi 7 máy bay Mỹ, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân!...
NHỮNG ĐƠN VỊ KHÔNG QUÂN ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
Ngoài chương trình đào tạo phi công chiến đấu, cùng thời gian trên Việt Nam cũng tuyển chọn một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, bảo dưỡng, dẫn đường… gửi ra nước ngoài để tham gia các khóa huấn luyện khá cơ bản.
Ngày 21 tháng 3 năm 1958, Bộ Quốc phòng có quyết định số 047/ND thành lập Bộ Tư lệnh Không quân. Ngày 24 tháng 1 năm 1959, có quyết định thành lập Cục Không quân. Chỉ sau đó vài tháng vào ngày 1 tháng 5, Trung đoàn Không quân vận tải đầu tiên mang số hiệu 919 của Việt Nam chính thức thành lập tại sân bay Gia Lâm. Trang bị chủ yếu của đoàn bay lúc đó gồm những vận tải cơ Li-2, Il-14, An-2. Hơn 4 năm sau, vào ngày 22 tháng 10 năm 1963, Cục Không quân sáp nhập với Bộ Tư lệnh Phòng không, thành Quân chủng Phòng không – Không quân. Lực lượng của không quân ngày đó mới chỉ có hai đơn vị là Trung đoàn Vận tải 919 và Đoàn bay Huấn luyện 910.
Một sự kiện đáng nhớ và một dấu mốc quan trọng: Ngày 30 tháng 5 năm 1963, Trung đoàn không quân tiêm kích 921, mật danh là Đoàn Sao Đỏ, được thành lập tại cao nguyên Vân Quý (Trung Quốc), trên cơ sở Đoàn học viên tiêm kích MiG-17, do Trung tá Đào Đình Luyện làm Trung đoàn trưởng, Thiếu tá Đỗ Long làm Chính ủy, Thiếu tá Trần Mạnh làm Trung đoàn phó, Thiếu tá Trần Văn Thọ làm Tham mưu trưởng.
Tới ngày 3 tháng 2 năm 1964, Trung đoàn tiêm kích 921 chính thức làm Lễ ra mắt tại Mông Tự, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ban đầu Trung đoàn có biên chế 70 phi công, được trang bị 32 máy bay tiêm kích MiG-17 và 4 máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-15 do Trung Quốc bàn giao. Mãi tháng 4 năm 1965, đơn vị mới được tiếp nhận loại máy bay mới MiG-21, do Liên Xô viện trợ.
Sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Bộ Quốc phòng Mỹ kiếm cớ để dùng Không quân và Hải quân đánh phá vào Nghệ An và Quảng Ninh và một số địa phương khác… Trung đoàn 921 nhận được lệnh di chuyển về nước để chuẩn bị chiến đấu. 10 giờ 35 phút ngày 6 tháng 8 năm 1964, những chiếc máy bay MiG-17 của Không quân nhân dân Việt Nam cất cánh từ sân bay Mông Tự (Trung Quốc) đã bay qua biên giới Trung – Việt và đáp xuống sân bay quân sự Đa Phúc (tức Nội Bài ngày nay) vừa được xây dựng ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện trực tiếp cầm lái một chiếc MiG-17 có mặt trong tốp đầu tiên. Rồi lần lượt cả Trung đoàn tiêm kích đã hạ cánh an toàn xuống sân bay… Tuy đã trở về nước với toàn bộ số phi công và máy bay đã có, nhưng thời gian đầu lực lượng Không quân tiêm kích của Việt Nam được lệnh vẫn tập trung vào việc huấn luyện, giữ tuyệt đối bí mật và tránh tham chiến.
Ngay hôm sau, ngày 7 tháng 8 năm 1964, một chiếc máy bay do thám U2 của Mỹ đã bay ngang qua sân bay Đa Phúc và sau đó Đài BBC đã loan tin về việc những chiếc MiG đã xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng lực lượng Không quân Mỹ cũng không quan tâm lắm vì họ cho rằng MiG-17 là loại tiêm kích đã hoàn toàn lạc hậu, chỉ có vận tốc dưới âm, không có radar cũng như tên lửa. Thậm chí, viên tướng J.Paul, chỉ huy tàu sân bay USS Constellation của Mỹ còn ngạo mạn tuyên bố: “Cuộc không chiến với phi công Bắc Việt sẽ chỉ là trò chơi. Các máy bay trinh sát hiện đại giúp người Mỹ nắm rõ lực lượng Không quân Bắc Việt, với một dúm máy bay cổ lỗ, trú trong những bức tường bằng đất đắp và không có mái che”.
Các chuyên gia quân sự Mỹ đều cho rằng: Với một lực lượng không quân nhỏ bé, lạc hậu, mới thành lập như Việt Nam hồi đó, dù có lạc quan đến mấy, thì việc giành chiến thắng trước một lực lượng không quân hùng hậu, hiện đại, nhiều kinh nghiệm của Mỹ gần như là một điều hoang tưởng. Các phi công Mỹ cũng tin rằng: đối thủ của họ sẽ là những phi công Liên Xô, hoặc chí ít cũng là phi công Trung Quốc, chứ không thể nào là những phi công Việt Nam non nớt. Chính vì thế, họ có quyền tin rằng bầu trời Việt Nam sẽ hoàn toàn do các phi công Mỹ làm chủ!
Nhưng sau này, thực tế đã chứng minh ngược lại: Theo một thống kê, tổng cộng trong chiến tranh, Không quân Nhân dân Việt Nam tuyên bố đã bắn hạ 320 máy bay các loại của Mỹ, trong khi tổn thất trong chiến đấu là 131 máy bay các loại (đạt tỉ lệ 1 đổi 2,5). Đây quả là một kì công, nhất là với trang bị máy bay cũ kĩ và số giờ bay thấp. Nói cách khác: Các phi công Mỹ đã chịu thua phi công Việt Nam một cách “tâm phục khẩu phục”!
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt tới lực lượng Không quân non trẻ. Ngay sau khi lứa phi công tiêm kích đầu tiên của Trung đoàn 921 hoàn thành khóa huấn luyện ở Trung Quốc và về nước nhận nhiệm vụ, Bác đã đến sân bay thăm hỏi, động viên các phi công và căn dặn: Tổ tiên ta ngày xưa đã có chiến công trên sông, trên biển như: Bạch Đằng, Hàm Tử... trên bộ như: Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa... Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng động viên và giao nhiệm vụ cho bộ đội Không quân: “Các đồng chí nên nhớ là từ thời Hồng Bàng tới giờ ta mới có không quân. Tổ tiên ta đã đánh kẻ thù trên mặt đất bằng nhiều trận quyết chiến lịch sử, nhưng giờ đây ta mới có lực lượng không chiến, vì vậy các đồng chí phải coi đây là nhiệm vụ lịch sử của dân tộc”.
(Còn nữa)
Đ.V.H
____________
Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...
Theo Trái tim người lính