Thượng tướng Võ Tiến Trung: Nguyện cống hiến trọn đời vì cách mạng-Bài 2: Người chỉ huy sâu sát, quyết đoán với tầm nhìn chiến lược

Từ những năm tháng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Võ Tiến Trung không ngừng phấn đấu và học hỏi để đóng góp ngày một nhiều hơn cho Tổ quốc. Sau chiến tranh, ông tiếp tục con đường binh nghiệp, trải qua nhiều cương vị, rồi trở thành Thượng tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo sĩ quan cấp cao cho Quân đội.

Người khởi xướng "3 gặp, 4 biết"

Sau ngày đất nước thống nhất, Võ Tiến Trung đứng trước nhiều lựa chọn cho tương lai. Ông có cơ hội đi học ở nước ngoài hoặc theo đuổi các ngành học dân sự. Nhưng vì tình yêu và sự gắn bó với Quân đội, ông quyết định tiếp tục con đường binh nghiệp và theo học tại Trường Sĩ quan Đặc công.

Tại đây, Võ Tiến Trung thể hiện mình là một học viên xuất sắc. Với sự thông minh, chăm chỉ và tinh thần kỷ luật cao, ông luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Năm 1978, ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại làm giảng viên.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Võ Tiến Trung tiếp tục theo học tại Học viện Lục quân và sau đó là Học viện Quốc phòng. Ông nhận thấy rằng, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, việc nâng cao kiến thức và hiểu biết về chiến lược quân sự hiện đại là vô cùng cần thiết. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, rồi trở thành Phó giáo sư.

Trong những năm tháng tuổi trẻ, Võ Tiến Trung cũng tham gia hỗ trợ cách mạng tại các nước bạn. Những chuyến đi này không chỉ mở rộng tầm nhìn của ông mà còn giúp ông hiểu rõ hơn về vai trò của Việt Nam trong bối cảnh khu vực và quốc tế. Trở về nước, ông lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng, Phó sư đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng, Phó tham mưu trưởng, rồi Phó tư lệnh Quân khu 5. Ở mỗi vị trí, ông đều để lại dấu ấn bằng những quyết định sáng suốt, sự lãnh đạo tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao.

 Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ảnh: LIÊN VIỆT

Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ảnh: LIÊN VIỆT

Với Thượng tướng Võ Tiến Trung, thời gian công tác tại Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên. Ông kể: Đầu thập niên 1990, tôi được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 143. Trung đoàn lúc bấy giờ xảy ra tình trạng ban chỉ huy mất đoàn kết, đặc biệt là hiện tượng bộ đội đào ngũ. Cấp trên giao nhiệm vụ cấp bách là nhanh chóng ổn định tình hình và đưa đơn vị phát triển vững mạnh.

Trung đoàn trưởng Võ Tiến Trung bắt đầu bằng việc nắm bắt toàn bộ tình hình đơn vị. Ông hiểu rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề, trước tiên cần phải củng cố đội ngũ cán bộ. Ông cùng tập thể đảng ủy xác định: Phải bắt tay vào việc xây dựng từng chi bộ và khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Nhận thấy cần chấn chỉnh ngay từ khâu "đầu vào" là chiến sĩ, Trung đoàn trưởng Võ Tiến Trung đề xuất với cấp trên cho trực tiếp về các địa phương để tuyển quân. Ông khởi xướng và áp dụng phương pháp "3 gặp, 4 biết", vì thế, Trung đoàn 143 chính là đơn vị đầu tiên trong toàn quân thực hiện phương pháp này. Nhờ đó, đơn vị không chỉ tuyển chọn được những chiến sĩ có lý lịch rõ ràng, phẩm chất tốt, tinh thần quyết tâm cao mà còn loại bỏ được những trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Việc hiểu rõ từng cá nhân giúp ông xây dựng được một đội ngũ đoàn kết, có động lực và trách nhiệm. Trung đoàn trưởng Võ Tiến Trung luôn tin rằng, để có một đơn vị mạnh, không chỉ cần kỷ luật nghiêm minh mà còn phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, ông thường xuyên xuống đơn vị trò chuyện với anh em, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhất là những khó khăn, bức xúc của họ.

"Tôi nhớ có lần xuống đại đội, gặp một chiến sĩ trẻ ngồi một mình trên bậc thềm, tay cầm chiếc lông gà quét kiến trong vòng phấn trắng. Khi hỏi, chiến sĩ ấy ngập ngừng trả lời: "Thưa thủ trưởng, em đang "chăn kiến". Hóa ra, do vi phạm kỷ luật, cậu ta bị đại đội trưởng phạt bằng cách bắt ngồi canh kiến trong vòng phấn, nếu kiến thoát ra ngoài sẽ bị phạt thêm", ông kể.

Nhận thấy hình phạt này không phù hợp, là biểu hiện của hình thức quân phiệt mới, Võ Tiến Trung đã gặp riêng đại đội trưởng để chấn chỉnh. Ông nhắc nhở: "Chúng ta phải đối xử với anh em bằng tình thương và sự tôn trọng. Kỷ luật là cần thiết, nhưng không thể dùng những biện pháp làm tổn thương tinh thần của chiến sĩ".

Sau đó, ông trực tiếp nói chuyện với chàng lính trẻ. Biết được cậu thường xuyên vi phạm vì muốn về thăm người yêu, ông đưa ra một thỏa thuận: "Nếu trong một tuần tới, em chấp hành tốt kỷ luật, tôi sẽ cho em nghỉ tranh thủ hai ngày". Cậu chiến sĩ phấn khởi, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả, cậu không chỉ chấp hành kỷ luật ngày càng nghiêm túc mà còn bộc lộ nhiều “tài lẻ” như làm thơ, sáng tác nhạc, làm mộc... Sau này, cậu được cử đi học sĩ quan và trở thành một cán bộ xuất sắc.

Nhờ những biện pháp đồng bộ và sự chân thành, Trung đoàn trưởng Võ Tiến Trung đã từng bước khôi phục nền nếp kỷ luật của đơn vị. Tình trạng đào ngũ giảm xuống dưới 10%. Trung đoàn trở thành điểm sáng, được báo cáo điển hình toàn quân. Sự đoàn kết trong đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn được củng cố, tinh thần bộ đội nâng cao rõ rệt.

Sau này, ở cương vị nào ông cũng vẫn sâu sát bộ đội như thế. Thượng tướng Võ Tiến Trung quan niệm: "Đơn vị vững mạnh không chỉ nhờ kỷ luật nghiêm minh mà còn bởi cán bộ thấu hiểu và tôn trọng bộ đội. Khi cán bộ gần gũi, quan tâm đến chiến sĩ, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng cống hiến hết mình".

Củng cố nền móng cho cơ sở đào tạo hàng đầu Quân đội

Năm 2010, Võ Tiến Trung được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Quốc phòng, cơ sở đào tạo tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, cán bộ khoa học nghệ thuật quân sự đầu ngành của Quân đội. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của ông. Với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm phong phú, ông cùng tập thể lãnh đạo Học viện bắt tay vào việc đổi mới công tác giáo dục-đào tạo đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược của Quân đội.

Một trong những vấn đề ông nhận thấy ngay khi nhận nhiệm vụ là phương pháp kiểm tra, đánh giá học viên còn nhiều hạn chế. "Tôi nhận thấy rằng, nhiều sĩ quan của chúng ta giỏi chiến đấu nhưng kỹ năng thuyết trình, trình bày ý tưởng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, từ học viên đến sĩ quan đều được rèn luyện kỹ năng này", ông nhớ lại.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển tư duy hệ thống, tư duy phản biện và khả năng thuyết trình, Thượng tướng Võ Tiến Trung quyết định thay đổi phương pháp kiểm tra truyền thống. Thay vì các bài thi viết dài dòng, ông đưa vào phương pháp thuyết trình và phản biện. Học viên được yêu cầu trình bày ý tưởng của mình về các vấn đề chiến lược, chiến dịch, đưa ra giải pháp cho những tình huống thực tế. Thời gian trình bày được giới hạn, buộc họ phải tập trung và diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc. Phương pháp này không chỉ giúp học viên phát triển kỹ năng thuyết trình mà còn khuyến khích họ suy nghĩ sáng tạo, độc lập.

Ngoài ra, Võ Tiến Trung cũng chú trọng đến việc cập nhật nội dung giảng dạy. Ông nhận thấy rằng, tình hình thế giới và khu vực luôn biến đổi, do đó, kiến thức quân sự cũng cần phải được cập nhật liên tục. Ông đưa vào chương trình giảng dạy những nội dung mới về chiến lược quân sự hiện đại, kỹ thuật quân sự tiên tiến cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống và cả vấn đề quản lý tài chính của đơn vị...

Không chỉ tập trung vào công tác đổi mới giáo dục-đào tạo, Võ Tiến Trung còn quan tâm sâu sát đến đời sống của cán bộ, giảng viên Học viện. Ông nhận ra rằng, muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi. Tiêu chí, tiêu chuẩn để trở thành người thầy đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược rất cao nhưng chế độ đãi ngộ còn thấp nên Học viện khó thu hút người tài. Nhiều cán bộ, giảng viên dù đã cống hiến lâu năm trong Quân đội nhưng vẫn chưa có nhà ở ổn định; lâu lâu có dịp về thăm nhà lại lóc cóc, “tay xách nách mang” đi về bằng xe khách. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và hiệu quả công việc. Ông lại "ra đề toán" để cùng tập thể lãnh đạo Học viện tìm giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Về vấn đề đi lại, ông báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng để xin chính sách, những đồng chí từ cấp thượng tá trở lên mỗi năm được 1 chuyến xe hai chiều về thăm gia đình; giảng viên là tiến sĩ, phó giáo sư thì được 2 chuyến, giáo sư được 3 chuyến.

Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ đi học nâng cao trình độ, Học viện lúc này bắt đầu có chính sách hỗ trợ về tài chính, thời gian để khuyến khích giảng viên theo đuổi các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ. "Đồng chí nào đi học thạc sĩ thì Học viện hỗ trợ 7 triệu đồng, phục vụ nghiên cứu khoa học để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh thì hỗ trợ 10 triệu đồng", ông nhớ lại. Kết quả là, trong thời gian ông lãnh đạo Học viện, số lượng giảng viên có học vị cao tăng lên đáng kể, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Về vấn đề nhà ở, ông rất trăn trở khi cán bộ, giảng viên đã cống hiến trọn đời cho Quân đội nhưng đến khi về nghỉ hưu vẫn chưa có nơi ở ổn định. Ông gặp đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, nói rõ về hoàn cảnh của cán bộ trong Học viện: "Tôi không xin tiền, chỉ xin cơ chế để có thể tự xây dựng nhà ở cho anh em".

Sau nhiều nỗ lực, dự án khu nhà ở cho cán bộ, giảng viên Học viện Quốc phòng được triển khai. Quá trình thực hiện diễn ra minh bạch, công bằng, từ việc phân chia suất nhà đến đấu thầu xây dựng. Thời gian ông làm lãnh đạo Học viện, 100% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được mua nhà ở giá thấp.

Với tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc bén, Thượng tướng Võ Tiến Trung đã nghiên cứu và xây dựng nhiều đề tài nghiên cứu về chiến dịch, chiến lược quân sự quan trọng. Ông là người đề xuất và phát triển "chiến dịch tiến công tổng hợp", một khái niệm mới trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến dịch này kết hợp các lực lượng khác nhau, sử dụng nhiều phương thức tác chiến linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Ngoài ra, ông cũng đóng góp vào việc xây dựng "chiến lược chống chiến tranh ly khai", bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh thế giới phức tạp. Những nghiên cứu và đề xuất của ông được đánh giá cao, trở thành cơ sở cho nhiều quyết sách quan trọng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Võ Tiến Trung cũng tham gia tích cực vào các hội đồng khoa học, đóng góp ý kiến cho việc hoạch định chính sách quốc phòng. Ông đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội trong tình hình mới, từ việc hiện đại hóa trang bị, đào tạo nhân lực đến hợp tác quốc tế.

Năm 2016, Thượng tướng Võ Tiến Trung nghỉ hưu, khép lại chặng đường binh nghiệp tròn nửa thế kỷ cống hiến hết mình cho Quân đội và đất nước. Những tưởng sau bao năm tháng tận tụy, ông sẽ an nhàn nghỉ ngơi nhưng không, trái tim người lính vẫn luôn thao thức trước vận mệnh của Tổ quốc. Ông tiếp tục dấn thân, đóng góp trí tuệ và tâm huyết vào công cuộc đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, xét lại lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...

(còn nữa)

NGUYỄN PHẠM HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/thuong-tuong-vo-tien-trung-nguyen-cong-hien-tron-doi-vi-cach-mang-bai-2-nguoi-chi-huy-sau-sat-quyet-doan-voi-tam-nhin-chien-luoc-799948