Phấp phỏng chờ môn thi thứ ba vào lớp 10

Tuy đã hủy bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn đề xuất môn thi này có sự thay đổi qua các năm khiến phụ huynh và học sinh không khỏi lo lắng.

"Rối loạn tiền đình" nếu mỗi năm lại thay đổi môn thi thứ ba vào lớp 10

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó đáng chú ý là việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm, thời gian công bố trước 31/3 hằng năm. Theo Bộ GD&ĐT, việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Thông tin này đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng bởi nếu không biết trước môn thi sẽ khiến học sinh áp lực về học tập và ôn luyện.

Em Tạ Hoàng Minh, học sinh lớp 9 Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết: "Chúng em rất mừng khi môn thi thứ ba không phải là bốc thăm. Tuy nhiên, điều khiến bản thân em và các bạn lo lắng đó là "việc thay đổi môn thi thứ ba vào lớp 10 hàng năm", việc này đâu có khác gì so với bốc thăm? Thêm nữa, thời điểm công bố môn thi thứ ba là quá trễ vì kiến thức các môn học rất nhiều. Bên cạnh môn thi, chúng em còn phải học các môn khác nên khó ôn tập hiệu quả trong thời gian ngắn", Minh nói.

Minh Châu, học sinh lớp 8 Trường THCS Thọ Sơn (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) lo lắng cho biết áp lực thi cử sẽ tăng lên nếu không biết môn thi thứ ba là môn nào sớm. "Để yên tâm em sẽ phải chuẩn bị hết và đi học thêm nhiều môn. Tuy vậy, việc phải dồn sức ôn tập những môn không phải thế mạnh và có thể không nằm trong lựa chọn tổ hợp ở bậc THPT là một điều vô lý".

Phụ huynh và học sinh lo lắng nếu môn thi thứ ba vào lớp 10 thay đổi hằng năm. Ảnh minh họa.

Phụ huynh và học sinh lo lắng nếu môn thi thứ ba vào lớp 10 thay đổi hằng năm. Ảnh minh họa.

Là một phụ huynh có hai con đang học lớp 9 và lớp 7, chị Bùi Thị Thảo (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, về bản chất, việc yêu cầu môn thi thứ ba phải thay đổi hằng năm không khác nhiều so với việc phải bốc thăm để lựa chọn môn thi. Nếu bốc thăm còn có trường hợp 2 năm thi 1 môn, còn việc luân phiên hằng năm thì mỗi năm sẽ là một môn khác. Như vậy kỳ thi lớp 10 vẫn là trò may rủi, hên xui. Điều này sẽ khiến không chỉ các con mà ngay cả phụ huynh chúng tôi cũng "rối loạn tiền đình".

"Nếu môn thi thứ ba vào lớp 10 thay đổi hằng năm, năm nay chọn môn học này, năm sau chọn môn học khác thì việc lựa chọn đó sẽ theo nguyên tắc gì và liệu tiêu cực có nảy sinh không", chị Thảo bày tỏ lo lắng.

Chị Thảo cho biết thêm, việc môn thứ ba thay đổi hằng năm và công bố quá muộn tạo áp lực cho phụ huynh và học sinh. "Chúng tôi mong Bộ, mong Sở sẽ cố định và chốt môn thi ngay từ đầu năm lớp 9 để trẻ có đủ thời gian ôn thi và trau dồi kiến thức".

Tương tự, anh Hà Khoa Bảng (ở Vĩnh Phúc) cho rằng, nếu thay đổi như dự thảo thì việc này không hề giảm bớt gánh nặng cho học sinh mà ngược lại còn tạo ra sự bất an cho cả học sinh và phụ huynh. "Môn thi thứ ba nên chốt cố định hằng năm là ngoại ngữ vì môn này đảm bảo công bằng đối với các em học thiên về các môn khoa học xã hội hay thiên về khoa học tự nhiên. Mặc khác, nó cũng phù hợp với định hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".

Theo anh Bảng, trước khi bước vào kỳ thi lớp 10, học sinh phải học đều các môn để trải qua đợt kiểm tra cuối học kỳ II với mục đích xét tốt nghiệp THCS nên nếu cho rằng việc thay đổi môn thứ ba mỗi năm sẽ đảm bảo giáo dục toàn diện là không hợp lý.

Có nên thay đổi môn thi thứ ba vào lớp 10 hằng năm?

Cô Nguyễn Thu Hiền - giáo viên Ngữ văn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, sau khi có thông tin này, nhiều phụ huynh lớp 9 mà cô chủ nhiệm đều nháo nhác nhờ cô tư vấn, tìm chỗ học thêm cho con. "Việc thay đổi môn thứ ba hằng năm là chưa hợp lý.

Bởi với kỳ thi lớp 10, việc chọn thi môn khoa học cơ bản như Toán, Ngữ văn là điều tất yếu và môn tiếng Anh với mục đích hội nhập là điều đương nhiên. Các môn còn lại rất khó cho các em bởi mỗi em có một năng khiếu riêng. Hơn nữa, đây là kỳ thi tuyển lấy từ cao xuống thấp vì thế nếu phải thi những môn lỡ may không phải sở trường sẽ rất thiệt thòi cho các em. Vì thế, việc luân phiên thay đổi môn thi thứ ba hằng năm sẽ không đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh".

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhìn nhận, dự thảo phương án thi lớp 10 vừa công bố cho thấy Bộ GD&ĐT có sự tiếp thu ý kiến từ dư luận. Thay vì bốc thăm, Bộ nên để địa phương chủ động. "Tuy nhiên, trong dự thảo, Bộ GD&ĐT nêu môn thứ ba luân phiên hằng năm, tôi thấy chưa hợp lý".

Theo ông Ngai, việc luân phiên mỗi năm nhằm tránh cho việc học lệch, sợ học sinh chỉ tập trung vào các môn thi lớp 10. Nếu cố định môn thi thì các môn khác học sinh sẽ xem nhẹ, không đảm bảo giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, nếu thay đổi hằng năm cũng khó hạn chế được tình trạng trên. Ví dụ, năm thứ nhất thi môn A thì sang năm thứ 2 học sinh sẽ dự đoán môn này không thi do luân phiên nên không học tập trung. "Việc luân phiên hằng năm tưởng rằng sẽ tránh tình trạng học lệch nhưng thực tế môn đã thi năm trước sẽ không còn thi lại khiến các em ít chú trọng, cũng không tránh được tình trạng trên".

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc môn thi thứ ba vào lớp 10 thay đổi hàng năm là không cần thiết và gây thêm những áp lực không đáng có cho cả phụ huynh và học sinh, thậm chí, việc này còn làm nảy sinh tâm lý đoán già đoán non về môn thi. Thay vào đó, các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 nên xác định rõ ràng, minh bạch và có sự ổn định trong nhiều năm.

Theo ông Vinh, để đảm bảo mục tiêu giáo dục kiến thức toàn diện cho học sinh ở bậc THCS thì cần siết việc kiểm tra đánh giá định kỳ tại các nhà trường chứ không phải bằng cách luân phiên thay đổi môn thi thứ 3 hàng năm để tránh việc "học tủ, học lệch" như trong dự thảo.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phap-phong-cho-mon-thi-thu-ba-vao-lop-10-169241023231108819.htm