Thượng viện Mỹ phê chuẩn đề cử gây tranh cãi nhất trong nội các của Tổng thống Trump
Ngày 12/2, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu xác nhận một trong những đề cử gây tranh cãi nhất của Tổng thống Trump trong nội các nhiệm kỳ thứ hai của mình.
![Bà Tulsi Gabbard. Ảnh: REUTERS/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51463417/16a24ac37a8d93d3ca9c.jpg)
Bà Tulsi Gabbard. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo đó, cựu hạ nghị sĩ đảng Dân chủ, bà Tulsi Gabbard đã chính thức được Thượng viện Mỹ xác nhận làm Giám đốc Tình báo Quốc gia với tỷ lệ 52/100 phiếu thuận đề từ các lá phiếu của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa. Đáng chú ý, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell của bang Kentucky đã đi ngược lại với số đông đảng của mình khi bỏ phiếu chống lại đề cử trên của Tổng thống Trump tương tự các nghị sĩ khác của phe Dân chủ. Tuy vậy, điều này không làm thay đổi kết quả cuối cùng đối với tân Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard. Đây được xem là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Donald Trump vì bà Gabbard là một trong những lựa chọn gây tranh cãi nhất vào nội các của ông.
Trước đó, bà Gabbard phải đối mặt với mối lo ngại từ một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa về việc bà không ủng hộ Ukraine cũng như những lập trường xung quanh Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài - một công cụ giám sát và an ninh quan trọng. Bên cạnh đó, bà cũng bị nhiều người đặt nghi ngại liên quan đến cuộc gặp vào năm 2017 với cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngoài ra, bà cũng từng từ chối coi Edward Snowden, người tiết lộ thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia, là kẻ phản bội trong phiên điều trần phê chuẩn gây tranh cãi tại Đồi Capitol vào tháng trước.
Thượng nghị sĩ McConnell dường như đã nhắc đến một số quan điểm đáng lo ngại trên của bà Gabbard trong tuyên bố mà ông đưa ra sau khi bỏ phiếu chống lại bà. Ông nói rằng nước Mỹ không nên bị đặt vào trạng thái phải lo lắng về những đánh giá tình báo mà Tổng thống nhận được từ một Giám đốc Tình báo Quốc gia “có tiền sử sai sót đáng báo động trong phán đoán".
Bên cạnh đó, nhiều nhân vật khác của đảng Cộng hòa cũng đã đặt những câu hỏi liên quan đến vị trí mà bà sẽ đảm nhận theo đề cử, trong đó có các thượng nghị sĩ Susan Collins của bang Maine, Lisa Murkowski của bang Alaska và Todd Young của bang Indiana. Trước đó vào đêm 10/2, thượng nghị sĩ Murkowski thừa nhận trong một tuyên bố rằng bà vẫn còn lo ngại về một số quan điểm nhất định mà bà Gabbard đã đảm nhận trước đây. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối cùng, các thượng nghị sĩ này đã bỏ phiếu ủng hộ cho vị tân Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Bà Gabbard là đề cử thứ 14 của ông Donald Trump được xác nhận kể từ ngày 20/1 – thời điểm vị tân Tổng thống Mỹ chính thức nhậm chức.
Việc bà được xác nhận là một bước ngoặt lớn đối với một đề cử mà ngay từ đầu đã là một trong những đề cử gây chia rẽ nhất của ông Trump. Từng là cựu nữ hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ tại bang Hawaii, bà Gabbard đã bị các nhà lập pháp của Ủy ban Tình báo Thượng viện giám sát chặt chẽ về quan điểm của bà trong hoạt động giám sát và một loạt các cuộc họp gây tranh cãi mà bà đã tổ chức tại Liban và Syria vào năm 2017, bao gồm cả với Tổng thống Assad khi đó.
Trong phiên điều trần gây tranh cãi, khi bị các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Thượng viện liên tục chất vấn, bà đã từ chối trả lời liệu bà có tin rằng hành động của Snowden là phản bội hay không. Những lần né tránh liên tục đó dường như gây nguy hiểm cho đề cử vốn đã căng thẳng của bà trong Ủy ban - nơi bà được đánh giá có thể không nhận được một phiếu bầu nào của đảng Cộng hòa, ngay cả khi bà đã giành được sự ủng hộ của chủ tịch Ủy ban, thượng nghị sĩ Tom Cotton. Mặc dù không có thành viên đảng Cộng hòa nào công khai phản đối bà, nhưng một số người đã bày tỏ sự nghi ngờ.
Tuy nhiên, sau một loạt các cuộc họp kín, bà Gabbard dường như đã trấn an được các thành viên còn nghi ngờ và đề cử của bà đã được thông qua tại ủy ban với đa số phiếu đến từ các thành viên trong đảng Cộng hòa.
Trong ngày làm việc đầu tiên với tư cách là Giám đốc Tình báo Quốc gia, bà Tulsi Gabbard sẽ tới Đức để tham dự Hội nghị An ninh Munich, nơi bà sẽ tổ chức 30 cuộc họp song phương với các đối tác, bao gồm các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ là Anh, Pháp, Australia và Đức. Thông tin trên đã được ông Alexa Henning - Phó Giám đốc Tình báo Quốc gia phụ trách chiến lược và truyền thông chia sẻ với truyền thông.