Thượng viện Mỹ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO
Thượng viện Mỹ ngày 3/8 đã phê chuẩn việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), động thái mở rộng đáng chú ý nhất của liên minh quân sự này từ những năm 1990.
Theo Reuters, với 95 phiếu thuận và 1 phiếu chống tại cuộc bỏ phiếu hôm 3/8, Thượng viện Mỹ đã nhất trí ủng hộ việc phê chuẩn 2 văn kiện gia nhập NATO của 2 quốc gia Bắc Âu.
Các thượng nghị sĩ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan, cho rằng 2 quốc gia Bắc Âu là những đồng minh quan trọng và quân đội hiện đại của 2 nước vốn đã hợp tác chặt chẽ với NATO.
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, nói rằng 2 quốc gia này sẽ giúp NATO trở nên mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đã mời đại sứ và các quan chức ngoại giao của Phần Lan và Thụy Điển tới theo dõi cuộc bỏ phiếu.
Vào giữa tháng 5, ba tháng sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn gia nhập NATO, từ bỏ chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ với lý do tình hình an ninh ở châu Âu đang thay đổi.
Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ 2 quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh vì lập trường của Helsinki và Stockholm đối với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ankara coi đó là một tổ chức khủng bố và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ. Song, khúc mắc này dường như đã được giải quyết, cả hai quốc gia Bắc Âu kể từ đó đã được chính thức mời gia nhập liên minh.
30 thành viên của NATO đã ký nghị định thư kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu vào tháng trước. Kể từ thời điểm đó, Helsinki và Stockholm có thể tham gia các cuộc họp của NATO và tiếp cận nhiều hơn với thông tin tình báo, nhưng không được bảo vệ theo Điều 5 - điều khoản phòng vệ của NATO trong đó nêu rõ một cuộc tấn công vào một đồng minh là một cuộc tấn công chống lại tất cả.
Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành thành viên NATO sau khi Quốc hội của tất cả các thành viên trong liên minh phê chuẩn. Việc phê chuẩn có thể mất tới một năm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuong-vien-my-ung-ho-phan-lan-va-thuy-dien-gia-nhap-nato.html