Thường Xuân giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

Thường Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, với 16 xã, thị trấn, có 124 thôn, bản, khu phố, trong đó 112 thôn, bản, khu phố miền núi. Toàn huyện có gần 23.000 hộ với hơn 96.000 người, gồm 3 dân tộc: Thái, Kinh, Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm gần 55.000 người. Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Thường Xuân đã và đang gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội Nàng Han năm 2024 và đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh Trần Thanh

Lễ hội Nàng Han năm 2024 và đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh Trần Thanh

Về vùng đất Vạn Xuân

Người dân thôn Lùm Nưa trao đổi, chia sẻ về Lễ hội Nàng Han và những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Ảnh: Ngọc Huấn

Người dân thôn Lùm Nưa trao đổi, chia sẻ về Lễ hội Nàng Han và những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Ảnh: Ngọc Huấn

Tại nhà văn hóa thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân (Thường Xuân), các ông, bà: Vi Văn Máy, Cầm Bá Thủy, Nguyễn Thị Trinh... đã kể với chúng tôi về những nét đẹp văn hóa của đồng bào Thái ở Lùm Nưa nói riêng, vùng đất Trịnh Vạn, xứ Thái mường Chiềng Bán (hay Chiềng Ván) nói chung. Câu chuyện về nàng Han đẹp người, đẹp nết và dũng cảm quên mình xả thân vì sự bình yên của làng bản luôn được các thế hệ người dân nơi đây nhắc nhớ và biết ơn. Vào ngày diễn ra chính hội, người dân thực hiện tế lễ nàng Han và các thần linh cai quản bản mường tại hang Mường. Người có đóng góp quan trọng trong lễ hội Nàng Han chính là cụ Cầm Thị Đành, sinh năm 1937. Sau đó, phần hội được diễn ra tại nhà văn hóa với phần trình diễn múa cây bông; các trò chơi dân gian như đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, tò lẹ, tung còn...

Lễ hội Nàng Han năm 2024 thu hút đông đảo Nhân dân, du khách tham dự. Ảnh Trần Thanh

Lễ hội Nàng Han năm 2024 thu hút đông đảo Nhân dân, du khách tham dự. Ảnh Trần Thanh

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, cho biết: Ngoài lễ hội Nàng Han, hiện nay xã Vạn Xuân đang tiến hành khôi phục lễ hội đền Chín Gian - nơi tổ chức lễ hội dâng trâu tế trời trên đỉnh núi Pú Pen. Xã Vạn Xuân còn có hang Cáu, thác Thiên Thủy (hay còn gọi Thác Mù) thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên; nghề dệt và các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ xã thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm khôi phục, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Đây là điều kiện thuận lợi, tiềm năng để Vạn Xuân phát triển du lịch cộng đồng, góp phần XDNTM nâng cao, giữ vững vị thế xã đi đầu trong cụm “5 Xuân” của huyện Thường Xuân.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vạn Xuân thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm khôi phục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vạn Xuân thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm khôi phục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Thúc đẩy du lịch phát triển

Ngoài lễ hội Nàng Han, huyện Thường Xuân còn có lễ hội Cửa Đạt (Cửa Đặt); lễ hội cơm mới; lễ hội đua thuyền. Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được đồng bào DTTS gìn giữ thông qua trang phục, ẩm thực, nhà ở, lễ tục... Ở các xã Xuân Lẹ, Vạn Xuân đã thành lập được tổ hợp tác dệt thổ cẩm khôi phục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Ở bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), thị trấn Thường Xuân và bản Vịn, xã Bát Mọt nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế đã và đang trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn tại Thường Xuân.

Phụ nữ dân tộc Thái bên thác Trai Gái, xã Xuân Lẹ.

Phụ nữ dân tộc Thái bên thác Trai Gái, xã Xuân Lẹ.

Trong đồng bào DTTS, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào gìn giữ phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, lễ hội và xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ hiếu học... Cụ thể như bà Hà Thị Hòa, dân tộc Thái, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Phụng, luôn tích cực vận động hội viên đóng góp, ủng hộ ngày công, tài sản xây dựng các nhà văn hóa thôn; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thành lập các câu lạc bộ thu hút hội viên tham gia, truyền dạy văn hóa, thể thao truyền thống như hát khặp, ném còn, kéo co...

Ở xã Xuân Lẹ, chị Vi Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã, luôn tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Xuân Lẹ với mong muốn khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, phục vụ đời sống người dân trong bản. Tuyên truyền người dân thực hiện mô hình nhóm trồng dâu, nuôi tằm, lấy tơ nhằm chủ động về nguyên liệu để phục vụ cho dệt thổ cẩm, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân; thực hiện trồng quế, làm vườn ươm quế ở các thôn Liên Sơn, Xuân Sơn, Bọng Nàng.

Ở bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), thị trấn Thường Xuân, gia đình chị Hà Thị Tuyến là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng. Bản Mạ có 54 hộ, hơn 300 nhân khẩu, bản mang vẻ đẹp nguyên sơ đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, bà con gìn giữ nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm, đan lát. Hiện, bản có hơn 40 ngôi nhà sàn cổ đang được bảo tồn và gìn giữ. Bản Mạ đã thành lập đội văn nghệ truyền thống chuyên biểu diễn, giới thiệu đến du khách những bài múa hát truyền thống của dân tộc Thái. Những tiềm năng, thế mạnh của bản Mạ góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở địa phương.

Lễ hội cơm mới của đồng bào dân tộc Thái huyện Thường Xuân.

Lễ hội cơm mới của đồng bào dân tộc Thái huyện Thường Xuân.

Ông Lê Huy Giáp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Những năm qua, huyện Thường Xuân phát huy các lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa đã được xếp hạng; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái, người Mường gắn xây dựng gia đình, cộng đồng, phát triển du lịch; thực hiện tốt hương ước thôn bản, xóa bỏ hủ tục gây tốn kém; xây dựng gia đình văn hóa, thể thao. Đặc biệt, Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, được triển khai tại huyện Thường Xuân đã và đang góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.

Đến nay, đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Năm 2024, đã có 9 nhà văn hóa được đầu tư cải tạo, sửa chữa; số hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt 74,2%; số thôn, bản, tổ dân phố được công nhận văn hóa đạt 67,7%, vượt kế hoạch 2,6%; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Đề án Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian và hoạt động lễ hội tiêu biểu của dân tộc Thái thông qua các mô hình, các câu lạc bộ văn hóa truyền thống; hoạt động lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách thập phương thông qua việc tổ chức lễ hội đền Cửa Đặt, đặc biệt là lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội nàng Han).

Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Thái với điệu nhảy sạp tại khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân

Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Thái với điệu nhảy sạp tại khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân

Giai đoạn 2024-2029, huyện Thường Xuân tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển KT-XH nhanh và bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, góp phần thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu, đến năm 2029, trên 50% thôn bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thuong-xuan-giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-233445.htm