Thường Xuân quan tâm xây dựng và phát huy thiết chế văn hóa, thể thao
Những năm qua, các nhà văn hóa và học tập cộng đồng (NVH&HTCĐ) thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện Thường Xuân luôn được quan tâm đầu tư xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Việc đầu tư xây dựng và từng bước phát huy hiệu quả tính năng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng đa dạng của các tầng lớp Nhân dân trong huyện.

Các thiết chế văn hóa đã đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất của các tầng lớp Nhân dân.
Đầu năm 2024, nhà văn hóa thôn 3, xã Thọ Thanh được đưa vào sử dụng với đầy đủ các thiết bị âm thanh, ánh sáng, thư viện sách... Trong khuôn viên 170m2 được bố trí sân bóng chuyền, sân cầu lông, lắp đặt các thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao phục vụ cho hoạt động văn hóa - văn nghệ, rèn luyện sức khỏe hằng ngày của người dân.
Ông Phạm Văn Đại, bí thư chi bộ, trưởng thôn 3 cho biết: “Nhà văn hóa của thôn được khánh thành và đi vào hoạt động đã trở thành nơi tập luyện văn nghệ, thể thao của đông đảo quần chúng Nhân nhân. Nhà văn hóa không chỉ là nơi rèn luyện sức khỏe mà còn trở thành nơi chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống hàng ngày của người dân. Hiện trong thôn có hơn 93% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, thôn được công nhận là thôn văn hóa 3 năm liên tục”.
Hiện nay, 7/7 thôn của xã Thọ Thanh đã có NVH&HTCĐ, trong đó 2/7 NVH&HTCĐ được chuyển công năng từ các cơ sở giáo dục cũ. Xã cũng đã hoàn thiện trung tâm văn hóa - thể thao với đầy đủ các công năng. Hiện các NVH&HTCĐ được Nhân dân sử dụng có hiệu quả và gìn giữ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong xã, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của xã ngày càng phát triển.
Ông Lê Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh, cho biết: “Các thiết chế văn hóa của xã đi vào hoạt động đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong cộng đồng. Đây là nơi tạo ra những sân chơi bổ ích cho nhiều đối tượng tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, đồng thời là nơi phát hiện những nhân tố mới thúc đẩy sự phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao trong quần chúng Nhân dân”.
Để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, huyện Thường Xuân cùng với các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của các thiết chế văn hóa, gắn với việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và XDNTM, NTM nâng cao. Các xã đã chủ động phát huy các nguồn lực trong Nhân dân, ngoài việc đóng góp tiền, ngày công..., các xã còn huy động xã hội hóa từ những con em xa quê, đang sinh sống ở các tỉnh, thành khác, những con em đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài... Ngoài ra, các xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu dương những tấm gương tích cực trong các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, hiến đất làm đường, công trình phúc lợi; phát động Nhân dân và các hội, đoàn thể cùng thực hiện chỉnh trang nhà văn hóa, khuôn viên nhà văn hóa, đường làng, ngõ xóm...
Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, huyện Thường Xuân đã đầu tư gần 26,4 tỷ đồng để hoàn thiện 14 nhà văn hóa tại các thôn bằng nguồn vốn ngân sách thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... góp phần từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo động lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân có 113/124 thôn, bản có NVH&HTCĐ, trong đó có 3 công trình đã xuống cấp, cần nâng cấp, tu sửa; 16/16 xã có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; trong đó 12/16 công trình đạt theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao đã phần nào đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất của các tầng lớp Nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: “Trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Sau khi đi vào sử dụng, nhà văn hóa đã phát huy công năng trong việc đa dạng hóa các hoạt động cộng đồng gắn với không gian nhà văn hóa. Không riêng những dịp lễ, tết, mà ngay cả vào những ngày thường, nhà văn hóa được sử dụng để tổ chức họp dân, sinh hoạt chi bộ, chi hội đoàn thể; để cán bộ thôn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân. Nhà văn hóa cũng là nơi để trưng bày, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, tra cứu thông tin của người dân, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở”.