'Thụy Sĩ của châu Á' hấp dẫn giới siêu giàu Trung Quốc
Những căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Singapore, một quốc gia trung lập, ngày càng có thêm cơ hội để trở thành trung tâm tài chính lớn nhất châu Á.
Theo Financial Times, bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn leo thang, thị trường tài chính nhiều bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề, cửa hàng Rolls-Royce tại khu phố Redhill, Singapore vẫn tấp nập khách hàng đến đặt cọc mua xe.
Số lượng xe Rolls-Royce đăng ký tại Singapore đã tăng mạnh vào năm 2021 và tiếp tục đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Theo nhân viên của cửa hàng, những vị khách mua xe chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Nhiều người đến từ quốc gia 1,4 tỷ dân cho rằng Singapore là "con tàu" giúp họ vượt qua những cơn bão sắp tới. Quốc đảo sư tử đang dần trở thành một địa điểm quan trọng nhằm kết nối với Phố Wall và các trung tâm tài chính toàn cầu.
Vị thế của quốc đảo sư tử
Trong nhiều năm, Singapore tự tin rằng họ là “Thụy Sĩ của châu Á”. Một cựu quan chức hàng đầu nước này cho biết cuộc chiến tranh lạnh mới đã biến mục tiêu đó thành hiện thực.
"Dòng vốn di chuyển nhanh đến các địa điểm an toàn với tỷ lệ hoàn vốn cao nhất. Ở châu Á, đó chính là Singapore", ông Drew Thompson, học giả vãng lai tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhận định.
Người Trung Quốc đang hiện diện trong từng sự thay đổi của Singapore. Các thương vụ bất động sản đều có người mua chủ yếu đến từ Trung Quốc. Các trường đại học quốc tế tại đây cũng thu hút hàng trăm sinh viên Hoa Lục mỗi năm. Các nhà hàng Trung Quốc có sao Michelin ở Singapore liên tục trong tình trạng hết bàn.
Sự thu hút của Singapore có thể căn cứ trên số liệu bất động sản. Theo dữ liệu của chính phủ Singapore, công dân Trung Quốc đã mua 1.738 căn hộ vào năm 2021, cao hơn 50% so với năm 2019 và cao nhất kể từ năm 2010. Dù thấp hơn một chút, số căn hộ được mua vào năm 2022 vẫn đạt mức kỷ lục 1.314 căn.
Bà Caroline Lee, tư vấn viên lâu năm trong ngành bất động sản, cho biết việc mở văn phòng gia đình sẽ giúp nhiều người Trung Quốc có thêm cơ hội nhận được thị thực để sinh sống và làm việc tại Singapore.
Bên cạnh đó, điểm hấp dẫn khác của quốc đảo sư tử là chất lượng giáo dục. Singapore luôn được coi là một trong những nơi có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Phó hiệu trưởng tại một trường quốc tế lớn ở Singapore nói rằng trong số 20 ứng viên vừa được nhận có một nửa đến từ Trung Quốc.
Hong Kong ngày càng kém thu hút
Vị thế trung tâm tài chính châu Á của Singapore được củng cố khi giới siêu giàu Trung Quốc đến đây “an cư lập nghiệp” ngày càng nhiều. Khoảng 500 doanh nghiệp đến từ quốc gia tỷ dân đã đăng ký hoạt động tại quốc đảo sư tử.
Đi theo chiều hướng đó, hoạt động của các nhà quản lý tài sản tư nhân và dịch vụ tài chính khác cũng được mở rộng hơn. Khi số lượng khách hàng tăng lên, việc nhiều ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản điều chuyển nhân viên cấp cao từ Hong Kong sang Singapore dần trở thành điều tất yếu.
Theo ông Kia Meng Loh, Trưởng bộ phận quản lý tài sản tư nhân tại Công ty luật Dentons Rodyk, nhiều khách hàng Trung Quốc vẫn coi Singapore là địa điểm đầu tư dài hạn an toàn hơn Hong Kong. Nguyên nhân của việc này là nền chính trị cùng tình hình kinh tế tại quốc đảo sư tử ổn định hơn khi so sánh với Hong Kong.
Singapore đã trở thành địa điểm thu hút người Trung Quốc từ lâu. Hiện tại, gần 3/4 trong số 3,5 triệu người dân Singapore là người gốc Hoa. Xu hướng này dần phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch. Khi chính quyền Trung Quốc thúc đẩy mục tiêu "thịnh vượng chung", một số cá nhân tại quốc gia này đã chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc.
Trung Quốc đang dần mất đi thiện cảm trong mắt các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là phương Tây. Ngược lại, Singapore lại được đề cao bởi tính trung lập, mức thuế và tỷ lệ tham nhũng thấp.
Công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners cho biết số yêu cầu di cư của người dân Trung Quốc tính đến tháng 11/2022 đã tăng 83% so với năm 2021. Hai địa điểm được lựa chọn chuyển đến nhiều nhất là Hy Lạp và Bồ Đào Nha vì nơi đây cung cấp "thị thực vàng". Xếp hạng thứ ba chính là Singapore.
Lĩnh vực tiêu biểu được dòng vốn Trung Quốc đổ vào mạnh trong những năm qua tại Singapore là các văn phòng gia đình, công ty quản lý tài sản tư nhân được thành lập cho các cá nhân giàu có và người thân của họ.
Số lượng đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này đã tăng lên đột biến. Singapore từng chỉ có khoảng 50 văn phòng gia đình vào năm 2018. Tuy nhiên, tới năm 2021, con số này đã đạt tới 700 văn phòng. Số lượng các luật sư và cố vấn quản lý tài sản ước tính lên tới 1.500 người vào cuối năm 2022.
Theo dữ liệu từ Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), dòng vốn đổ vào lĩnh vực quản lý tài sản tại Singapore trong năm 2021 đạt 448 tỷ đôla Singapore, tương đương khoảng 339 tỷ USD, cao hơn 15,7% so với năm trước đó. Ngược lại, dòng vốn đổ vào Hong Kong năm 2021 chỉ đạt 1.514 tỷ đôla Hong Kong, tương đương 194 tỷ USD.
Ông Wang Jue, doanh nhân 35 tuổi đến từ Thành Đô, Trung Quốc, đã lựa chọn Singapore làm địa điểm sinh sống và kinh doanh. Đối với ông, Singapore là nơi có nền kinh tế, chính trị ổn định, dòng vốn tại đây cũng dễ dàng lưu thông.
Những vấn đề tồn đọng
Trong khi những căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc vẫn leo thang, Singapore vẫn đưa ra chính sách ngoại giao khéo léo và mở cửa với cả hai khu vực trên.
Quốc đảo sư tử cũng trở thành nơi tổ chức các hội nghị quan trọng. SuperReturn Asia, hội nghị về vốn tư nhân hàng đầu châu Á, lần đầu tiên được tổ chức ở Singapore vào năm ngoái. Sự kiện đã thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.
Dù Singapore đang sở hữu lợi thế lớn để phát triển trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng, quốc gia này vẫn tồn tại một số yếu điểm.
Chi phí sinh hoạt tăng cao đã khiến người dân Singapore bất bình. Giá thuê nhà tăng vọt, các trường học trở nên đông đúc. Ngoài ra, việc dòng vốn đổ vào quá nhanh cũng khiến Singapore có khả năng bị những kẻ xấu lợi dụng làm nơi rửa tiền.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA), giá thuê nhà tại đây đã tăng 8,6% trong quý III/2022, mức tăng cao nhất kể từ năm 2007. Giá thuê căn hộ tư nhân và nhà ở xã hội đều tăng vọt.
Bên cạnh đó, nhiều người giàu có tại Singapore cũng thường xuyên không hài lòng về những “con phố Trung Hoa” do người Trung Quốc dựng lên.
Một số người lo ngại rằng, đến một lúc nào đó, Singapore sẽ phải đối mặt với những lời phàn nàn ngày càng căng thẳng từ tầng lớp trung lưu. Các chuyên gia cảnh báo, nếu chất lượng cuộc sống tại Singapore bị thay đổi, dòng vốn của giới siêu giàu sẽ lại chuyển hướng.
Tuy nhiên, ông Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, cho rằng quốc đảo sư tử vẫn sở hữu nhiều điểm thuận lợi trong quá trình toàn cầu hóa đang chậm lại.
"Trung Quốc vẫn được đón nhận nồng nhiệt ở Singapore. Đồng thời, Phố Wall và các công ty Mỹ vẫn coi Singapore là địa điểm lý tưởng để thay thế các cho trung tâm tài chính khác”, ông Simon Tay nhận định.