Thụy Sĩ khuyến khích trẻ em ăn thực phẩm làm từ côn trùng
Tại Thụy Sĩ, quê hương của một số thương hiệu phô mai và chocolate nổi tiếng, trẻ em đang được khuyến khích thưởng thức những loại thực phẩm chế biến từ sâu bột, châu chấu và dế.
Nhắm đến người tiêu dùng trẻ
Vào một buổi sáng gần đây, học sinh của ngôi trường trung học ở ngoại ô của thành phố, Zurich, tập trung quanh một chiếc bàn chất đầy đồ ăn vặt làm từ côn trùng. Chúng nhanh chóng xúc ăn những con sâu bột tẩm gia vị, những con dế được rắc bột ớt chuông và những chiếc bánh quy làm từ bột protein xay từ những con dế.
“Nhờ tẩm gia vị, những thức ăn này không có mùi vị của sâu bọ”, Ana Munoz, một nữ sinh 13 tuổi, nói.
Timotheé Olivier, chuyên gia của Swiss Insects, một hiệp hội các công ty bán côn trùng làm thức ăn cho người ở Thụy Sĩ, đã tổ chức các buổi nếm thử thực ăn làm từ côn trùng tại trường trung học nói trên. Trong bốn năm qua, ông đã đến các trường học trên khắp Thụy Sĩ để quảng cáo về lợi ích của việc ăn côn trùng và mang theo các mẫu sản phẩm để học sinh dùng thử.
“Họ còn trẻ và cởi mở hơn với những điều mới lạ. Đến một lúc nào đó, họ sẽ đưa côn trùng vào chế độ ăn của mình”, Olivier nói khi đề cập đến thế hệ học sinh hiện nay.
Năm 2017, Thụy Sĩ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép bán côn trùng làm thức ăn cho con người sau chiến dịch vận động hành lang của các công ty khởi nghiệp (startup) phát triển thức ăn làm từ côn trùng. Nhưng giờ đây, các startup này cần phải giúp xóa bỏ cảm giác ghê rợn liên quan đến côn trùng vì người dân phương Tây thường xem côn trùng gắn liền với sự thối rữa và sâu bệnh.
Để làm được điều đó, ngành công nghiệp thức ăn côn trùng của Thụy Sĩ đang tìm cách thay đổi quan niệm của những người tiêu dùng trẻ bao gồm học sinh.
Cho đến gần đây, các nước phương Tây vẫn ngăn chặn việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho con người. Các cơ quan quản lý xem chúng là mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phân loại côn trùng không phải là thực phẩm mà là một thành phần “bẩn thỉu”, có thể làm tạp nhiễm thực phẩm hoặc khiến thực phẩm đó không an toàn để tiêu thụ.
Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia và công ty chế biến thực phẩm muốn biến côn trùng thành một khía cạnh quan trọng trong chế độ ăn uống của phương Tây.
Côn trùng được xem là nguồn cung cấp protein và vitamin thân thiện với môi trường. Hoạt động nuôi dưỡng chúng để chế biến thực phẩm chỉ phát thải ra khí quyển một lượng khí nhà kính rất nhỏ so với hoạt động chăn nuôi gia súc như heo, bò, cừu… Các nhà khoa học khẳng định côn trùng an toàn để ăn, miễn là chúng được nuôi trong môi trường được kiểm soát.
Người dân khắp châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đều từ lâu đã sử dụng côn trùng làm thức ăn, chẳng hạn như món châu chấu chiên ở Thái Lan hay món kiến “mông to” (big-bottomed ant) chiên ở Colombia.
Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã theo bước Thụy Sĩ. Cho đến nay, EU cho phép sử dụng bốn loại côn trùng làm thức ăn cho con người: sâu bột vàng, sâu bột đen, châu chấu di cư và dế.
FDA cũng nới lỏng hạn chế, cho phép sử dụng côn trùng có mục đích trong thức ăn cho con người miễn là sản phẩm tuân thủ các thực hành sản xuất tốt.
Vẫn chật vật thu hút người tiêu dùng
Dù vậy, các công ty trong ngành công nghiệp thực phẩm côn trùng vẫn đang chật vật thu hút một lượng người tiêu dùng lớn hơn ở phương Tây.
“Chúng tôi chưa từng gặp vấn đề gì khi thuyết phục mọi người ăn côn trùng. Thử thách thực sự đối với chúng tôi là nhiều người ăn côn trùng chỉ để đánh dấu việc họ vượt qua một thử thách”, Bastien Rabastens, người sáng lập cửa hàng Jimini’s ở Paris (Pháp), chuyên bán sâu bột thắng đường và bơ mặn, châu chấu cà ri vàng và nhiều món ăn làm từ côn trùng khác, cho biết.
Gần đây, các chính trị gia cánh hữu trên khắp châu Âu đã phản đối sau khi EU hồi tháng 1 cho phép sử dụng bột xay từ dế để làm nguyên liệu thực phẩm.
“Ủy ban châu Âu đã nhượng bộ những người vận động hành lang giảm tiêu thụ thịt và làm suy yếu nền nông nghiệp cũng như văn hóa ẩm thực của chúng ta. Tôi mời những ai muốn ăn dế đến và ăn trực tiếp trên cánh đồng của tôi. Chúng hoàn toàn tự nhiên, nguyên con, chưa xay và chưa qua chế biến!”. Laurent Duplomb, một thượng nghị sĩ và nông dân Pháp, bày tỏ bức xúc.
Cuộc vận động ăn côn trùng nổi lên ở phương Tây cách đây một thập niên khi Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) công bố một báo cáo dài 200 trang ca ngợi giá trị dinh dưỡng của chúng. Kể từ đó, giới đầu tư đã đầu tư rót hàng tỉ đô la vào các startup nuôi côn trùng để làm thức ăn cho động vật. Nhiều công ty ở Mỹ và châu Âu bán đầu bán thức ăn côn trùng cho người tiêu dùng.
“Tại sao bạn cần ăn thịt bò và thịt heo khi bạn có thể ăn côn trùng?” Noelle Gmür, trưởng bộ phận bán hàng và tiếp thị của Essento, một startup ở Zurich, chuyên bán đồ ăn vặt làm từ côn trùng, nói,
Nhưng trong những năm tiếp theo, hàng loạt startup trong lĩnh vực thức ăn côn trùng cho con người, nhanh chóng sụp đổ. Vấn đề lớn của họ vào lúc đó là các cơ quan quản lý ở châu Âu chưa phê duyệt côn trùng làm thực phẩm cho con người.
Green Kow, một công ty Bỉ sản xuất nước sốt từ sâu bột, từng bị chính quyền Ý thu giữ hàng hóa tại một cuộc triển lãm thực phẩm ở Milan. Công ty đã đóng cửa vào năm 2019 sau khi không kham nổi chi phí vận động EU cho phép sử dụng côn trùng làm thực phẩm cho con người.
Năm 2014, Rabastens bắt đầu cuộc chiến pháp lý kéo dài một năm với chính phủ Pháp sau khi chính quyền Paris thu giữ 209 hộp đồ ăn côn trùng của Jimini’s tại một cuộc triển lãm thực phẩm. Năm 2020, Tòa án Công lý châu Âu đã xử Rabastens thắng kiện.
Tại Thụy Sĩ, startup Essento đã thuyết phục được hai chuỗi siêu thị lớn nhất của nước này bán sản phẩm của công ty này. Đây là một kỳ tích mà các startup thực phẩm côn trùng khác đang chật vật tìm kiếm ở những nơi khác của châu Âu.
Theo WSJ