Tích cực đóng góp xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Diễn ra trong 2 đợt với tổng số 23 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao. Ngay sau đó, từ ngày 30-6 đến 4-7, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã thực hiện chương trình tiếp xúc với cử tri để thông tin tới cử tri kết quả của kỳ họp.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (thứ 2 từ trái qua) trao đổi với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Thảo

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (thứ 2 từ trái qua) trao đổi với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Thảo

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai liên quan công tác lập pháp và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG cho hay, các ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia có hiệu quả các nội dung chương trình nghị sự, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Bàn và thảo luận rất kỹ

* Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, những dự án luật nào đã được Quốc hội xem xét, thông qua, thưa đồng chí?

- Lập pháp là một trong 3 chức năng chính của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các luật gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật HTX; Luật Phòng thủ dân sự. Cùng với đó, là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và cho nhiều ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đây đều là những dự án luật rất quan trọng, tác động rất lớn đến quyền lợi, nghĩa vụ của các cơ quan, Nhà nước, của tổ chức xã hội và người dân.

Chia sẻ với cử tri sau kỳ họp, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG mong muốn nhận được nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp của cử tri về những vấn đề lớn của đất nước, địa phương, những bất cập, vướng mắc trong luật pháp... Từ đó, giúp ĐBQH có thể phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, đóng góp xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, bám sát thực tiễn.

* Được cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp và nhận được sự quan tâm đặc biệt của ĐBQH và cử tri, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được bàn thảo như thế nào, thưa đồng chí?

- Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật có thể nói là rất phức tạp với phạm vi điều chỉnh rất rộng, ảnh hưởng lớn đến nhiều luật khác, đến đời sống của nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Và thực tế, đang có những chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với nhiều luật khác như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch…

Do vậy, đòi hỏi việc sửa đổi Luật Đất đai phải sao cho thấu đáo, đồng bộ, phù hợp, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển, cho mọi mặt của cuộc sống nhân dân và đảm bảo giữ vững được an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bàn và thảo luận rất kỹ, nhất là những cuộc thảo luận ở tổ có đến hàng ngàn ý kiến khác nhau. Trong đó, các vấn đề liên quan đến: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc thu hồi đất, định giá đất… được tranh luận rất nhiều.

Đơn cử như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có nói đến việc khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng như thế nào là tốt hơn, như thế nào là bằng? Bởi có thể theo tôi là tốt hơn nhưng theo người khác lại không tốt hơn; bởi có thể bằng về kinh tế, nhưng về văn hóa - xã hội lại kém hơn. Do đó, phải làm cho rõ, cho cụ thể…

Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ

* Vậy ĐBQH tỉnh đã thảo luận, đóng góp tại kỳ họp ra sao ?

- Theo tổng hợp của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, trong suốt quá trình diễn ra Kỳ họp thứ 5, các ĐBQH tỉnh đã tham gia phát biểu đóng góp 45 lượt ý kiến (trong đó, thảo luận ở tổ 36 ý kiến và hội trường 9 ý kiến); gửi 1 văn bản chất vấn đến Bộ trưởng Bộ VH-TTDL.

Qua đó, tham gia đóng góp tích cực vào xây dựng các dự án luật, các nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện quyền chất vấn của ĐBQH và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội mà các ĐBQH là thành viên. nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, mang tính khả thi cao.

* Đồng chí đánh giá như thế nào về tinh thần đổi mới ở kỳ họp?

- Mỗi kỳ họp có một đặc trưng nhưng có một điều thấy rõ là không khí thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn; thẳng thắn và thực chất hơn. Các ĐBQH thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là sự mạnh mẽ, quyết tâm, quyết liệt, sôi nổi và sâu sắc hơn trong thảo luận, đóng góp ý kiến.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Hồ Thảo (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202307/tich-cuc-dong-gop-xay-dung-hoan-thien-phap-luat-3170776/