Tích hợp nhiều biểu hiện và giá trị văn hóa
Với việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố dân gian như âm nhạc hát chầu văn, múa, diễn xướng, trang phục, kiến trúc, mỹ thuật... trong nghi lễ thờ cúng, lễ hội và hầu đồng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu như một 'bảo tàng sống', lưu giữ lịch sử và bản sắc văn hóa của người Việt.
Chứa đựng hệ thống sáng tạo văn hóa
Sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh năm 2016, tại các phủ, đền, chùa, các buổi hầu đồng được tổ chức nhiều hơn. TS. Frank Proschan - cựu cán bộ Chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn của UNESCO về Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - từng nhận xét: "Lên đồng (hầu đồng) là một bảo tàng sống của văn hóa dân gian Việt Nam". Dù vậy, coi tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ có hầu đồng là thiếu chính xác, không công bằng, chưa hiểu đúng và hiểu hết giá trị của di sản.
Hầu đồng chỉ là nghi thức cốt lõi của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bên cạnh hầu đồng còn có các thực hành khác như nghi lễ thờ cúng, hoạt động lễ hội với các nghi lễ như: thỉnh kinh, xếp chữ, các hoạt động văn hóa truyền thống trong lễ hội, sự tham gia sinh hoạt cộng đồng tìm hiểu và thực hành, sáng tạo các giá trị văn hóa liên quan đến di sản…
Nam Định được coi là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Mẫu Tứ phủ của người Việt. Các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hiện tại đây gồm nghi thức cúng lễ, nghi lễ chầu văn hầu đồng và lễ hội... Trong đó, nghi lễ chầu văn hầu đồng và lễ hội là những thực hành cơ bản nhất, thu hút đông đảo cộng đồng tham dự. Tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), lễ hội Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên) diễn ra từ mồng 3 - 10.3 Âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh)...
Theo nhiều nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng hệ thống sáng tạo văn hóa, gồm những huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, truyện thơ, câu đối... liên quan đến các nhân vật, đền phủ được phụng thờ. Ngoài ra còn có yếu tố âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục cùng với nghệ thuật trang trí, kiến trúc...
Điều đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu là đã tích hợp, kế thừa và chắt lọc những tinh túy của các di sản khác vào các thực hành nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn, được thể hiện rõ nhất ở yếu tố âm nhạc và trình diễn. Trong chầu văn phảng phất âm hưởng của dân ca Bắc Bộ, quan họ, chèo, hát xoan, xẩm, ví dặm, ca Huế… Tất cả tạo thành một thứ âm nhạc đặc biệt, đóng góp vào kho tàng âm nhạc của dân tộc và nhân loại.
Hòa đồng sắc thái dân tộc, vùng miền
Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn được coi là tín ngưỡng dân gian bản địa quan trọng nhất, đã tồn tại và có sức sống mãnh liệt trong đời sống tâm linh của người Việt. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, lòng yêu nước được tín ngưỡng hóa, linh thiêng hóa. Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hội Bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Nam Định, các vị thần trong điện thờ Mẫu là những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại được lịch sử hóa thành những người có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí, Phùng Khắc Khoan, Lê Chân... Tri ân những người có công với dân với nước là truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện ý thức về nguồn cội dân tộc. Điều này có ý nghĩa trong việc giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng thể hiện khả năng đồng hóa, tích hợp tín ngưỡng địa phương, của các dân tộc cùng sinh sống; tích hợp hệ thống thần linh và các hình thức sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật. Chẳng hạn, trong điện thờ, từ Thánh Mẫu và Quan hàng Chầu, ông Hoàng và các Cô đều có các vị thần linh gốc gác là người dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi như Mường, Tày, Nùng, Dao, Chăm... Tiêu biểu nhất là các vị Thánh hàng Chầu Bà, hóa thân trực tiếp của Tứ phủ Thánh Mẫu, Chầu Đệ Nhất (tức Mẫu Thượng Thiên) gốc là cô gái người Dao, Chầu Lục là người Nùng, Chầu Mười là người Tày, Bà Chúa Xứ là người Chăm...
Từ trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, đạo Mẫu đã theo chân người Việt vào Trung và Nam Trung Bộ, rồi Nam Bộ, biến đổi theo hướng địa phương hóa, hình thành những sắc thái địa phương rõ rệt. Chẳng hạn, Điện Hòn Chén, trung tâm thờ Mẫu ở Huế cũng như một số ngôi đền khác, cơ bản vẫn là thờ Mẫu, nhưng khác ở miền Bắc thì Mẫu Thượng Thiên hay Mẫu Liễu Hạnh ngồi chính giữa, các đền ở Huế thay bằng Thánh mẫu Thiên Ya Na, một thánh Mẫu nguồn gốc Chăm (Mẹ Xứ sở) đã được Việt hóa. Trong một số ngôi đền, hai bên của Mẫu Thiên Ya Na là Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn...
Vào miền Nam, hệ thống nữ thần “chuyển cư” từ miền Bắc phổ biến tại các đền thờ nữ thần Nam Bộ, nhưng đó không phải sự sao chép nguyên bản, mà có cải biến phù hợp với văn hóa vùng miền. Âm nhạc và làn điệu hát văn tiếp thu nhiều ảnh hưởng cải lương và dân ca Nam Bộ; hình thức ăn mặc, múa hát cũng tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Chăm và các dân tộc Tây Nguyên, nhất là trong các giá hầu các vị Thánh hàng Chầu Bà...
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là sinh hoạt tâm linh mang tính nguyên hợp cao, tích hợp nhiều biểu hiện và giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Trong các sinh hoạt thờ Mẫu, tâm linh và văn hóa hòa quyện, đáp ứng nhu cầu của con người, đồng thời thể hiện những sáng tạo văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Ở đó còn thể hiện sự giao lưu, dung hòa, khoan dung văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần vào sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của nhân loại.