Tiềm lực kinh tế của 'tứ giác kinh tế' vừa có cảng hàng không vừa có cảng biển nước sâu lớn số 1 Việt Nam
'Tứ giác kinh tế' vừa có cảng hàng không vừa có cảng biển nước sâu lớn số 1 Việt Nam hứa hẹn tạo đột phá tăng trưởng kinh tế cho cả nước.
Cụ thể, "tứ giác kinh tế" vùng Đông Nam Bộ gồm 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vừa là vùng động lực phía Nam vừa là "hạt nhân" phát triển của vùng kinh tế đầu tàu cả nước.
Vùng Đông Nam Bộ từ lâu đã được xác định là vùng kinh tế đầu tàu, động lực của cả nước. Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước và 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người nhiều năm trở lại đây cao nhất cả nước.
Trong vùng Đông Nam Bộ, "tứ giác kinh tế" gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chính là những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu. Năm 2022, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu là 2 trong số 4 địa phương trên cả nước có tổng thu ngân sách đạt trên 100.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Đồng Nai và Bình Dương là 2 địa phương có tổng thu ngân sách đạt trên 60.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, "tứ giác kinh tế" vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ nhiều dự án lớn của Việt Nam. Điển hình như dự án Cảng hàng không Quốc tế (sân bay) Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Với Sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, "tứ giác kinh tế" của vùng Đông Nam Bộ sẽ có thêm điều kiện để tăng tốc phát triển. Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng, dự kiến từ sau năm 2030, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Mục tiêu này được đặt ra bởi sân bay Long Thành có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý. Từ sân bay Long Thành, sẽ chỉ mất khoảng 3 giờ bay là có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính vì vậy, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là "cửa ngõ" thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới về mặt kinh tế.
Theo đó, "từ giác kinh tế" vùng Đông Nam Bộ có cảng hàng không quốc tế Long Thành lớn nhất Việt Nam, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hệ thống cảng biển TP.HCM (hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam), cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam).
Với hệ thống sân bay và cảng biển có quy mô hàng đầu của cả nước ,"tứ giác kinh tế" vùng Đông Nam Bộ sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế. Cùng với đó, 4 địa phương trong "tứ giác kinh tế" vùng Đông Nam Bộ sẽ có thêm điều kiện để phát triển công nghiệp. Trong đó, Bình Dương đã được biết đến là thủ phủ sản xuất công nghiệp tại Việt Nam, nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Bên cạnh hệ thống sân bay và cảng biển lớn nhất cả nước, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai nhằm tạo liên kết vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh, thành khác. Điều này càng tạo thuận lợi hơn cho 4 tỉnh thuộc "tứ giác kinh tế" vùng Đông Nam Bộ phát triển kinh tế.
Trong số các dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai thực hiện, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - TP.HCM là các dự án được kỳ vọng nhất. Hai dự án hạ tầng giao thông này hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp vùng Đông Nam Bộ nói chung và các địa phương trong vùng "tứ giác kinh tế" nói riêng. Hai 2 dự án này dự kiến cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025.
Bên cạnh đó, một loạt các dự án khác cũng đã được xúc tiến triển khai thực hiện như: đường Vành đai 4 - TP.HCM, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo đó, cùng với sự phát triển hạ tầng cảng hàng không, cảng biển và các tuyến cao tốc, 4 tỉnh thuộc "tứ giác kinh tế" vùng Đông Nam Bộ có tiềm lực lớn trong phát triển các ngành kinh tế như thương mại dịch vụ, logistics, du lịch.