Tiềm năng cây chè Vàng ở Nà Nhùng

Vượt lên vùng đất cằn cỗi, khó canh tác, chị Trương Thị Nằng (sinh năm 2001), người dân tộc Dao đầu tiên đưa cây chè Vàng từ tỉnh Quảng Bình về trồng thử nghiệm tại thôn Nà Nhùng, xã Đường Âm (Bắc Mê). Đến nay, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn.

Đoàn Thanh niên huyện, xã tham quan học tập mô hình trồng chè Vàng. Ảnh: TƯ LIỆU

Đoàn Thanh niên huyện, xã tham quan học tập mô hình trồng chè Vàng. Ảnh: TƯ LIỆU

Chúng tôi tới thăm gia đình chị Trương Thị Nằng vào một buổi chiều nắng đẹp. Nhấp ngụm chè Vàng ngon lạ, nghe chị kể chuyện trồng chè Vàng mới thấy khâm phục biết bao tư duy nhanh nhạy của người đồng bào vùng cao. Chị mộc mạc chia sẻ: Gia đình tôi có người thân sinh sống tại tỉnh Quảng Bình và tôi có đi học tập kinh nghiệm tại đây. Qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, tôi thấy giá bán chè Vàng khá cao, cây trồng lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao thôn Nà Nhùng, quá trình chăm sóc cũng không tốn kém thời gian, chi phí nên tôi quyết định đưa cây chè Vàng về trồng thử nghiệm.

Mô hình của hộ chị Trương Thị Nằng được triển khai thực hiện từ năm 2019, trên diện tích 5 ha với trên 500 nghìn cây giống, tổng số vốn đầu tư đến nay là trên 500 triệu đồng. Bà Bồn Thị Xiềm (mẹ của chị Nằng) chia sẻ: Sau khi con gái đi học tập kinh nghiệm về, tôi đã đồng ý cho con đầu tư. Khi bắt đầu triển khai thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, nhưng sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật mô hình bắt đầu cho thu nhập, đó là động lực để gia đình tiếp tục đầu tư và phát triển mô hình này. Hiện nay, chè Vàng được thương lái thu mua với giá 200 nghìn đồng/kg tươi; đặc biệt giá trị thành phẩm đã qua chế biến rất cao từ 2 - 3 triệu đồng/1kg.

Thôn Nà Nhùng có 111 hộ với 690 khẩu; số hộ khá có hơn 10 hộ, còn lại là cận nghèo và hộ nghèo; 100% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/năm, thu nhập gần như là thấp nhất so với các thôn khác trong xã. Thế nhưng, bằng quyết tâm, tinh thần, việc phát huy nội lực trong dân, vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, một bộ phận hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Nà Nhùng như gương chị Trương Thị Nằng đã vượt khó, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của mình. Nếu nhân lên nhiều tấm gương như gia đình chị Nằng, chắc chắn đời sống của người dân trong thôn sẽ ngày càng thay da đổi thịt...

Văn Quân

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202109/tiem-nang-cay-che-vang-o-na-nhung-782277/