Tiềm năng phát triển chợ vùng biên

Cả 3 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia đều có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu.

Đoàn xe trọng tải lớn xếp hàng chờ thông quan tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Đoàn xe trọng tải lớn xếp hàng chờ thông quan tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Nước ta có 4.510km đường biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào và Campuchia, chạy dài qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam. Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại nói chung và thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào và Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể. Nhìn chung, cả 3 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia đều có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu.

Hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới ngày càng được các quốc gia quan tâm đầu tư phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới đã được nâng cấp, mở rộng. Hàng chục cặp cửa khẩu đã được mở và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội qua biên giới.

Bên cạnh đó, nhiều khu kinh tế cửa khẩu đang dần trở thành trung tâm kinh tế - thương mại của vùng biên. Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 19 cửa khẩu cùng nhiều lối mở biên giới phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa, xuất nhập cảnh và phương tiện giao thông vận tải của thương nhân và cư dân biên giới. Tương tự, hiện có tổng cộng 36 chợ biên giới Việt Nam - Lào đang hoạt động.

Lực lượng chức năng tăng cường thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Lực lượng chức năng tăng cường thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Hai bên cũng có 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu quốc gia, 18 lối mở biên giới và 8 khu kinh tế đặc thù. Cùng với đó, có 17 chợ biên giới, cửa khẩu được đầu tư mở rộng, nâng cấp và 40 chợ xây mới trên địa bàn 10 tỉnh giáp Campuchia. Theo tiêu chuẩn thiết kế của Bộ Xây dựng, chợ biên giới thuộc chợ hạng 3.

Chợ biên giới Việt Nam và Lào tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An) có từ 30 năm trước, hiện nay việc tham dự phiên chợ này đã thuận lợi hơn khi không cần hộ chiếu. Khi đến chợ biên giới Nậm Cắn, người dân sẽ được BĐBP tại cửa khẩu cấp thẻ ra vào chợ giao lưu, mua bán hàng hóa. Người dân chỉ cần xuất trình căn cước công dân hoặc hộ chiếu là được làm thủ tục. Việc đi lại đều nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng chức năng hai nước Việt Nam - Lào.

Trước đây, mỗi tháng chỉ diễn ra 2 phiên chợ nhưng nay đã lên tới 4 phiên, vào các ngày Chủ nhật. Từ khoảng 4 giờ 30, người dân 2 nước đã bắt đầu làm thủ tục để vào chợ và tới khoảng 15 giờ, chợ cơ bản kết thúc thu hút khoảng 2.000 người dân Việt và hơn 1.000 người nước bạn Lào.

Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tiem-nang-phat-trien-cho-vung-bien/356166.html