Tiêm vaccine, giải pháp để ngăn chặn bùng phát dịch
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo. Theo GS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cần phải triển khai quyết liệt phòng, chống dịch truyền nhiễm, tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.
* Phóng viên (PV): Thời gian qua, số ca mắc sởi và ho gà trên cả nước đang có chiều hướng tăng, ông nhận định như thế nào về tình hình của hai bệnh này, đặc biệt với trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine?
* GS, TS Phan Trọng Lân: Đại dịch Covid-19 những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho trẻ em, một số bệnh có vaccine phòng bệnh đã có xu hướng tăng. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine.
Đặc biệt đối với bệnh sởi, ho gà thường tăng ca mắc từ 3 đến 5 năm. Do vậy, thời gian tới, nếu không có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt thì có thể bùng phát số ca mắc các căn bệnh này.
* PV: Theo ông, biện pháp nào hữu hiệu nhất có thể ngăn chặn sự bùng phát của những bệnh dịch này?
* GS, TS Phan Trọng Lân: Về giải pháp thì chúng ta phải nói đến sự ưu việt của việc tiêm phòng đầy đủ vaccine cho trẻ. Bởi khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt như mong muốn thì lập tức sẽ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm là rất rõ. Các giải pháp hàng đầu đối với bệnh này phải là vaccine.
Như vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát đầy đủ trẻ chưa đủ mũi tiêm phải tiêm ngay. Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo đối với tiêm vaccine ho gà (có trong thành phần vaccine 5 trong 1) trong tháng 4 này và cũng đã hướng dẫn các tỉnh rà soát đối tượng, lên kế hoạch để tiêm ngay khi vaccine phân bổ về địa phương. Một vấn đề nữa là làm thế nào để phát hiện sớm các ca bệnh.
Ví như ho gà ở trẻ em biểu hiện rất rõ; do vậy, các bệnh viện phối hợp chặt chẽ với y tế dự phòng để phát hiện, xử lý khoanh vùng triệt để, không để dịch lây lan.
* PV: Thưa ông, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có thống kê từ năm 2023 tỷ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 đạt bao nhiêu phần trăm, với con số như vậy có nguy cơ bùng phát dịch hay không? Hiện nay, chúng ta đã rà soát và tiêm bổ sung được bao nhiêu mũi?
* GS, TS Phan Trọng Lân: Có thể nói rằng, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam từ năm 2020 trở về trước rất cao (từ 90% đến 95%). Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc tiêm vacccine có giảm và có thiếu cục bộ trong năm 2023. Tuy nhiên, đầu năm 2024 đã bắt đầu tiêm vaccine đầy đủ, tiêm bù, tiêm vét; đặc biệt, thời gian tới sẽ tiêm một cách nhanh chóng.
Với nỗ lực, kinh nghiệm tiêm vaccine Covid-19 đồng bộ ở nhiều điểm tiêm, chúng ta sẽ bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng cao từ 95% trở lên như mong muốn khi vaccine về đầy đủ. Việc đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng, chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vaccine để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh là rất quan trọng; nhất là vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Chắc chắn, nếu dịch xảy ra cũng sẽ hạn chế tác động đến trẻ em của chúng ta.
* PV: Đó có phải là lý do mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khuyến cáo trong năm 2024, thưa ông?
* GS, TS Phan Trọng Lân: Một trong những lý do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khuyến cáo về bùng phát dịch sởi trong năm 2024 là do việc tiêm vaccine sởi trên toàn cầu chưa đạt như mong muốn. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vaccine sởi.
Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi; giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng với hiệu quả vượt trội. Muốn tỷ lệ bao phủ vaccine để miễn dịch và bảo vệ cộng đồng cao, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, thậm chí miễn dịch cộng đồng phải đạt đến tiệm cận 100%.
Thực tế nơi nào mà tỷ lệ tiêm chủng thấp thì nơi đấy khả năng rất cao sẽ bùng phát dịch. Như vậy, việc rà soát tiêm chủng phải được thực hiện từ cấp huyện, xã và rà soát đầy đủ về tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ, để chúng ta tiêm bù, tiêm vét. Nếu làm được điều đó thì dịch sởi sẽ khó mà bùng phát. Trường hợp dịch bùng phát thì cũng sẽ giảm nhẹ được các biến chứng.
Với các biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam hiện nay, việc quan trọng nhất là triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; đặc biệt phải chú ý đến vùng lõm tiêm chủng. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đồng bộ thì dịch mới không bùng phát, lây lan.
* PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo qdnd.vn)