Tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Sử – người nghệ sĩ của âm nhạc và thơ ca

Nhạc sĩ Thanh Sử để lại nhiều thương tiếc cho các nhạc sĩ miền Nam với những cống hiến bền bỉ

Nhạc sĩ Thanh Sử

Nhạc sĩ Thanh Sử

Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Thanh Sử (tên thật Nguyễn Văn Sử) sinh ngày 27-2-1957. Ông mất lúc 21h55 ngày 22-7, hưởng thọ 69 tuổi. Lễ động quan tổ chức lúc 9h ngày 26-7, lễ an táng lúc 11h cùng ngày tại xã Hưng Khánh, tỉnh Vĩnh Long.

Nhạc sĩ Thanh Sử ra đi để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu nhạc trên cả nước. Một người nghệ sĩ tận tụy suốt hơn 50 năm với nghiệp sáng tạo, với hơn 1.000 tác phẩm để lại, nay đã hóa thân vào những giai điệu bền lâu.

Nhạc sĩ Thanh Sử – tên thật là Nguyễn Văn Sử, sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách – sớm bén duyên cùng tiếng đờn lời ca từ thuở nhỏ.

Cha ông là người truyền lửa đam mê đầu tiên, và từ đó, con đường âm nhạc với ông là một hành trình không dừng nghỉ. Từ đội văn nghệ trường trung học đến mái trường Lý Luận Nghiệp vụ II TP HCM (1978–1981), rồi về công tác tại ngành văn hóa – thông tin tỉnh nhà, ông âm thầm sáng tác, học tập, cống hiến cho đến ngày nghỉ hưu năm 2017. Nhưng thực tế, ông chưa từng rời xa âm nhạc.

Nhạc sĩ Thanh Sử, người phổ thơ bằng trái tim đồng cảm

Nhạc sĩ Thanh Sử không chỉ viết nhạc, ông là người thổi hồn vào thơ ca, làm nhạc chắp cánh cho những câu chữ lặng lẽ bay cao.

Những bài thơ khi qua bàn tay của ông như "Đêm và tôi", "Giấc mơ của bé" (thơ Phan Văn Mãi), "Công cha nghĩa mẹ" (thơ Tống Thu Ngân), "Câu hò quê hương" (thơ Nắng Mùa Đông)… trở nên sâu lắng, lan tỏa và đầy sức sống.

Ông từng nói: "Phổ thơ là cái duyên, không phải bài nào cũng đưa vào nhạc được. Phải chạm cảm xúc thì mới viết được". Chính sự đồng cảm ấy đã giúp ông kết nối với nhiều tâm hồn qua giai điệu, qua từng ca từ.

Nhạc sĩ Thanh Sử

Nhạc sĩ Thanh Sử

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín – nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM – từng nhận định: "Thanh Sử là người sáng tác không biết mỏi. Âm nhạc của anh giàu chất liệu dân ca, đậm hơi thở đất Bến Tre, nhưng cũng đủ rộng mở để chạm đến trái tim người nghe ở mọi miền".

Nhà thơ Dạ Yên – người bạn văn chương của ông – xúc động nói: "Anh đã đem tiếng vọng âm nhạc vào mọi cảm xúc. Mỗi tác phẩm như có linh hồn, như có trái tim. Những giai điệu ấy sẽ còn sống mãi".

Tác phẩm – di sản lặng thầm và bền vững

Với hơn 1.000 ca khúc được sáng tác, nhiều tuyển tập và CD đã ra đời như Tuyển tập NS Thanh Sử (2004), CD Trở về (2005), Mãi gọi dấu yêu (2018)… ông để lại một kho tàng âm nhạc đồ sộ, nhiều tác phẩm đã trở thành ký ức đẹp trong lòng khán giả.

Ông cũng là người đặt nền móng, góp sức bền bỉ cho phong trào âm nhạc địa phương khi từng đảm nhiệm Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc (Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bến Tre.

Dẫu không ồn ào, không quá nổi bật trên truyền thông, nhưng nhạc sĩ Thanh Sử là hình ảnh mẫu mực của một nghệ sĩ sống và làm nghề bằng niềm tin, bằng tình yêu với quê hương và nhân sinh.

Ông lặng lẽ gieo những hạt giống đẹp vào đời sống văn hóa tỉnh nhà – như một người thợ vườn kiên nhẫn chăm hoa trong bóng râm, để đến một ngày, cả khu vườn rực rỡ.

"Xin tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Sử – người gieo yêu thương bằng giai điệu và thơ ca" – NSƯT ca sĩ Hồng Vân chia sẻ.

Thanh Hiệp (ảnh GĐ NS CC)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tien-biet-nhac-si-thanh-su-nguoi-nghe-si-cua-am-nhac-va-tho-ca-196250724055624183.htm