Tiến độ làm đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh hơn 75 nghìn tỷ đồng đang thế nào?

Bộ GTVT vừa có báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 57 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.

Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh khởi công hôm 18/6/2023

Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh khởi công hôm 18/6/2023

Đã giải ngân hơn 15.400 tỷ đồng

Bộ GTVT cho biết, dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh có 4 dự án thành phần xây dựng gồm 26 gói thầu, đến tháng 8/2023 đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 9/26 gói thầu.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án được tách thành 4 dự án thành phần do UBND TP.Hồ Chí Minh (DATP2), UBND các tỉnh Đồng Nai (DATP4), Bình Dương (DATP6), Long An (DATP8) làm cơ quan chủ quản, bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2022.

Đến tháng 8/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 458/597 ha (đạt 77%), trong đó DATP2 đã bàn giao 377/410ha (đạt 92%), DATP4 đã bàn giao 04/65ha (đạt 6%), DATP6 đã bàn giao 35/79ha (đạt 44%), DATP8 đã bàn giao 42/44ha (đạt 97%).

Theo Bộ GTVT, dự kiến nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh gồm: Đất đắp nền đường (khoảng 1,6 triệu m3); Cát đắp nền đường (khoảng 7,2 triệu m3); Cát xây dựng (khoảng 1,5 triệu m3); Đá xây dựng các loại (khoảng 4,4 triệu m3).

Về công tác triển khai thi công, các dự án thành phần 1, 5, 7 do UBND TP.Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản đã khởi công ngày 18/6/2023, trong đó dự án thành phần 1 đang triển khai thi công 4/14 gói thầu, dự án thành phần 5 triển khai thi công 1/4 gói thầu, dự án thành phần 7 triển khai thi công 3/3 gói thầu. Các gói thầu đang triển khai hầu hết đang thực hiện việc xây dựng lán trại, tập kết thiết bị, nhân lực, phòng thí nghiệm, vật liệu đầu vào, lập bản vẽ thi công và thi công thử một số hạng mục.

Thông tin về công tác bố trí vốn và giải ngân, Bộ GTVT cho biết, tổng số vốn được giao của dự án đến nay là 37.706 tỷ đồng (năm 2022 là 146 tỷ đồng, năm 2023 là 37.560 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 8/2023, dự án giải ngân đạt 15.428 tỷ đồng, đạt khoảng 40,9% tổng số vốn đã được giao (năm 2022 đã giải ngân 132 tỷ đồng, năm 2023 đã giải ngân 15.296 tỷ đồng).

Liên quan đến khó khăn, vướng mắc dự án, Bộ GTVT cho biết, về vật liệu xây dựng, theo báo cáo từ các chủ đầu tư dự án thành phần, nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 7,2 triệu m3, cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3. Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án, đến nay đã khảo sát nguồn vật liệu đáp ứng khoảng 5,8/7,2 triệu m3 cát đắp nền, khoảng 1,25/1,5 triệu m3 cát xây dựng. Tuy nhiên trong thời gian tới các dự án cao tốc đồng loạt triển khai thì nguồn cung về vật liệu (đặc biệt nguồn cát) sẽ có nguy cơ thiếu hụt.

"Đối với dự án thành phần 5 qua Bình Dương chỉ đầu tư phân kỳ nút giao Tân Vạn, cầu Bình Gởi tuyến chính không có cầu cho đường song hành; đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn 15,3km trong dự án đường Vành đai 3 chỉ tận dụng đường đô thị hiện hữu (tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn) rộng 32m, quy hoạch 64m và chưa được đầu tư để khép kín theo tiêu chuẩn cao tốc, cần nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh để phát huy hiệu quả đầu tư", Bộ GTVT thông tin.

Công tác triển khai thi công còn chậm

Đánh giá về tiến độ thực hiện các dự án thành phần, Bộ GTVT cho biết, đối với công tác GPMB, tái định cư, theo Nghị quyết 105 ngày 15/8/2023 của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Thực tế các dự án thành phần 1, 5, 7 đều bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của gói thầu khởi công tính đến trước thời điểm khởi công ngày 30/6/2023, riêng dự án thành phần 3 chưa khởi công gói thầu xây lắp.

Theo báo cáo của địa phương, dự án thành phần 4 chậm GPMB do trong quá trình thực hiện công tác kê biên, đền bù chưa xác định được nguồn gốc một số thửa đất; vẫn còn 169 hộ vắng chủ chưa kiểm đếm xong; dự án thành phần 6 chậm GPMB do khó khăn trong việc thuê đơn vị tư vấn định giá đất và chưa thống nhất phương pháp định giá đất giữa các tư vấn.

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh

"Hiện nay, diện tích giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 77%, phấn đấu bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023 theo đúng chỉ đạo tại của Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ", Bộ GTVT cho biết.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, theo Bộ GTVT, một số dự án thành phần tiến độ triển khai lựa chọn nhà thầu thi công còn chậm. Cụ thể, tính đến tháng 8/2023, tổng số đã hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán 19/26 gói thầu, tuy nhiên mới hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 9/26 gói thầu.

Trong đó DATP1 chậm lựa chọn nhà thầu một phần do khối lượng công việc lớn, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện trong đó quy định thời gian thực hiện các công việc thời gian đầu dự án chậm nhưng vẫn hoàn thành năm 2026; DATP3 chậm lựa chọn nhà thầu một phần do trong thời gian qua có sự thay đổi cơ cấu bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư và chậm hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án, dẫn đến chậm tiến độ dây chuyền, ảnh hưởng đến tiến độ các bước tiếp theo, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Đánh giá về công tác triển khai thi công, giải ngân vốn đầu tư, Bộ GTVT cho biết, dự án tiến hành khởi công từ 18/6/2023, tuy nhiên đến nay công tác triển khai thi công còn chậm, hầu hết các gói thầu đang tập kết máy móc thiết bị, nhân lực, lán trại, đường công vụ,... còn lại dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đồng Nai mới động thổ gói thầu rà phá bom mìn, chưa khởi công các gói thầu xây lắp.

Tỷ lệ giải ngân còn thấp, trong đó giải ngân xây lắp là 1.603/9.228 tỷ (đạt 17%), giải ngân giải phóng mặt bằng là 13.693 / 28.332 tỷ đồng (đạt 48%).

Để đảm bảo việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện dự án; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Đồng thời, có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư,…

Bộ GTVT cũng đề xuất Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống nhất với việc đề nghị UBND các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp điều phối, thực hiện cam kết bố trí khối lượng cát cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh để phục vụ thi công theo hướng dự án thành phần nào thi công trước sẽ điều phối nguồn vật liệu phục vụ cho dự án đó trước.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh công tác GPMB khẩn trương thực hiện kiểm kê, khảo sát để lập giá đất cụ thể, phê duyệt phương án bồi thường để tiến hành chi trả, bàn giao mặt bằng cho các bên để thực hiện; làm việc với các chủ thể có liên quan để tháo gỡ vướng mắc.

"UBND TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai thi công đồng thời các gói thầu bảo đảm tiến độ chung của dự án", Bộ GTVT đề nghị.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, kết nối TP.Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng với chiều dài khoảng 76,34 km theo quy mô cao tốc cấp 100, quy mô phân kỳ 4 làn xe (nền đường rộng 19,75m) và đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe) đầu tư không liên tục.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó: Giai đoạn 2021-2025: 61.056 tỷ đồng (ngân sách Trung ương: 31.380 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 29.676 tỷ đồng); Giai đoạn 2025-2030: 14.322 tỷ đồng (ngân sách Trung ương: 7.361 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 6.961 tỷ đồng).

Dự án được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng và 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng, giao UBND TP.Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản; tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Đình Quang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/tien-do-lam-duong-vanh-dai-3-tpho-chi-minh-hon-75-nghin-ty-dong-dang-the-nao-183230908113339224.htm