Tiến độ tổng thể chung dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đạt hơn 60%
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sáng 6.5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, liên quan đến dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, hiện nay tiến độ tổng thể chung đạt hơn 60%.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất, thành phố Hà Nội cần hoàn thành thủ tục về việc chấp thuận các hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy, thủ tục đăng kiểm, sớm đẩy nhanh công tác tuyển dụng đào tạo nhân sự…
Hà Nội nêu kiến nghị với các tuyến đường sắt đô thị
Đối với các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, ngoài tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đang khai thác, tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện đang triển khai thi công, 7 tuyến còn lại (tuyến số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8) đều chưa được triển khai.
Vì vậy, thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5.2023) và cho phép UBND Thành phố được thực hiện thanh toán từ nguồn vốn ứng trước của Ngân sách Thành phố để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn của Dự án trong thời gian hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và gia hạn các khoản vay ODA của Dự án.
Đối với Tuyến đường sắt đô thị số 5, (Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng Hòa Lạc), để bảo đảm việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, đề nghị xem xét, ưu tiên cho Thành phố sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án.
Đối với Dự án đường sắt Hà Đông-Xuân Mai (Tuyến 2A kéo dài), kiến nghị cho phép nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến Hà Đông-Xuân Mai kéo dài, nối tiếp với đoạn Cát Linh-Hà Đông (đã hoàn thành) theo hướng sử dụng vốn ODA và bảo đảm đồng bộ về kỹ thuật, công nghệ.
Còn với Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi, TP. Hà Nội đề nghị sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu tiền khả thi dự án mà không gắn với dự án đầu tư. Việc xác định thức hình thức đầu tư cho dự án sẽ được đề xuất sau khi có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội - tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Dự án chưa triển khai thi công được các gói thầu chính về xây lắp và thiết bị, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 90%, hiện đang rà soát, cập nhật một số nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh theo vị trí ga C9 điều chỉnh để thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vì vậy, Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xem xét đẩy nhanh quá trình cho ý kiến để hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong năm 2023.
Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội - tuyến số 3.2 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai, hiện nay việc xem xét, phê duyệt đề xuất dự án còn chậm trễ, kéo dài từ năm 2020 đến nay. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thống nhất về nội dung giải trình của UBND Thành phố và cho phép được giải trình chi tiết ở các bước sau, để đẩy nhanh tiến độ việc triển khai Dự án.
Đối với Đoạn đường sắt quốc gia Yên Viên-Ngọc Hồi (bao gồm cả cầu Long Biên), Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải bàn giao hồ sơ tài liệu cho TP. Hà Nội quản lý theo quy hoạch hệ thống mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để triển khai tuyến đường sắt đô thị số 01 tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi.
Tăngcường rà soát quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội đã có sự phối hợp, hỗ trợ, gắn bó chặt chẽ trong xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…, đặc biệt là quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó là vấn đề nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cũng được quan tâm.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, về công tác quy hoạch, Hà Nội tiếp tục tăng cường quan tâm về quy hoạch chung trong xây dựng và lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo sớm hoàn thành nhiệm vụ này. Đồng thời, Hà Nội cũng nên rà soát lại quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để có điều chỉnh bổ sung phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Đối với chủ trương thành lập quận của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng góp ý, các định hướng xây dựng huyện thành quận cần đưa vào trong nhiệm vụ quy hoạch sắp tới, đẩy nhanh định vị quy hoạch chung của thành phố.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề xuất, thành phố Hà Nội tăng cường quản lý trật tự đô thị xây dựng trên địa bàn; quan tâm phát triển nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp. Đồng thời tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn theo đúng thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị thành phố Hà Nội tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, sự quan tâm tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất để thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay chúng ta đang bị khủng hoảng ở tổng cầu, các khoản chi tiêu của xã hội bị hạn chế. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề quan hệ cung - cầu.
Liên quan đến các kiến nghị của thành phố Hà Nội về các vấn đề dự án PPP, cơ chế đặc thù đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dự án tuyến đường sắt đô thị số 6; phát triển nhà ở xã hội; phát triển quỹ đất..., Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ bàn bạc với các Bộ ngành liên quan để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.