Tiền Giang: Trường nghề khởi động tuyển sinh năm 2025

Cùng với xu hướng đa dạng hóa lựa chọn sau bậc phổ thông, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chính thức bước vào mùa tuyển sinh năm 2025. Đây là thời điểm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đẩy mạnh các giải pháp nhằm thu hút thí sinh như: Cải tiến chương trình đào tạo, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp.

Năm 2024, công tác tuyển sinh GDNN tại Tiền Giang tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực, phản ánh nỗ lực không ngừng của ngành lao động trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương. Năm 2024, các cơ sở hoạt động GDNN đã tuyển tổng cộng 14.906 học sinh, sinh viên và học viên các trình độ của GDNN, đạt 112,98% kế hoạch năm; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 55,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.

Sinh viên Trường Cao đẳng Tiền Giang trong giờ thực hành.

Sinh viên Trường Cao đẳng Tiền Giang trong giờ thực hành.

Qua đánh giá cho thấy, hoạt động tuyển sinh trong năm qua được triển khai đồng bộ ở 23 cơ sở GDNN trên địa bàn gồm: 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 2 trung tâm GDNN và 15 cơ sở đăng ký GDNN. Nhóm ngành được đào tạo đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ và công nghệ. Một số cơ sở đã chủ động tổ chức các phiên tư vấn tuyển sinh lưu động tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa thông tin nghề nghiệp đến gần hơn với học sinh và phụ huynh.

Không chỉ đạt kết quả khả quan trong công tác tuyển sinh, hoạt động giải quyết việc làm sau đào tạo nghề tại Tiền Giang trong năm 2024 cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê, hơn 87% học sinh, sinh viên trình độ trung cấp và cao đẳng có việc làm sau khi tốt nghiệp từ 2 tháng trở đi, với mức thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/tháng tùy theo từng ngành, nghề. Đối với học viên trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 94%, mức thu nhập trung bình đạt khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.

Những kết quả đạt được trong tuyển sinh và giải quyết việc làm cho thấy GDNN ở Tiền Giang đang đi đúng hướng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “đào tạo gắn với nhu cầu xã hội”. Tuy nhiên, để nâng cao tỷ lệ tuyển sinh ở bậc trung cấp và cao đẳng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp từ sớm trong học sinh phổ thông; đồng thời, tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra vững chắc cho người học.

Bên cạnh những thuận lợi thì công tác tuyển sinh GDNN trên địa bàn tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội, phụ huynh chưa sẵn sàng để con em theo học nghề ở tuổi 15. Trong khi đó, các trường đại học không ngừng mở rộng chỉ tiêu, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh như: Xét học bạ, kéo dài thời gian tuyển sinh trong năm, khiến nguồn tuyển sinh cho các cơ sở GDNN ngày càng thu hẹp…

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn, để công tác tuyển sinh GDNN trong năm 2025 đạt được kế hoạch đề ra, các cơ sở GDNN cần chủ động đổi mới phương thức tư vấn, tăng cường truyền thông đa kênh và gắn tuyển sinh với nhu cầu việc làm thực tế của địa phương. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền qua báo chí, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông truyền thống, các trường cần phát huy hiệu quả của các hoạt động tương tác trực tiếp như: Ngày hội hướng nghiệp, trải nghiệm thực tế tại trường nghề; đồng thời, xây dựng các nội dung truyền thông gần gũi, dễ tiếp cận đối với học sinh và phụ huynh nông thôn.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN cần chủ động kết nối với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, sát với nhu cầu tuyển dụng, góp phần nâng cao uy tín và sức hút của hệ thống đào tạo nghề. Việc tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo nghề gắn với các mô hình sản xuất, kinh doanh tại địa phương cũng là giải pháp thiết thực nhằm giúp học sinh hình dung được cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, để thích ứng với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục, các trường cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và đánh giá. Việc xây dựng kho học liệu số, triển khai các lớp học trực tuyến, tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính và đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm, vừa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tạo điều kiện để người học tiếp cận môi trường học tập hiện đại, linh hoạt.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202505/tien-giang-truong-nghe-khoi-dong-tuyen-sinh-nam-2025-1042457/