Tiền Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, buôn bán phân bón giả, không đảm bảo chất lượng

Thời gian qua, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chấp hành tương đối tốt các quy định pháp luật liên quan. Tuy nhiên, thực tế cũng còn xảy ra tình trạng buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng, không đảm bảo chất lượng, không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, vi phạm về nhãn hàng hóa...

Tình trạng này tác động đến quyền lợi của người nông dân, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp chân chính. Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), UBND tỉnh và căn cứ tình hình của địa phương, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Qua đó, các hành vi vi phạm được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, góp phần ổn định thị trường.

* Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm trong kinh doanh phân bón?

* Đồng chí Huỳnh Văn Nguyện, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang: Trong năm 2023, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 145 vụ (lấy 137 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng, trong đó có 59 mẫu vi phạm chất lượng), phát hiện vi phạm và xử lý 136 vụ, thu phạt trên 2,6 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm gần 2,5 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 41 vụ (lấy 50 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng; có kết quả 39 mẫu, trong đó 21 mẫu đạt chất lượng, 18 mẫu vi phạm và đang chờ kết quả 11 mẫu), phát hiện vi phạm 32 vụ, xử lý 28 vụ, thu phạt 671,91 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 602 triệu đồng.

* PV: Hiện nay, công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón còn gặp phải những khó khăn gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Huỳnh Văn Nguyện: Với những kết quả nêu trên cho thấy sự nỗ lực của lực lượng QLTT trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón tại Tiền Giang. Tuy nhiên, trong công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do phương thức, thủ đoạn vi phạm tinh vi, khó phát hiện.

Cụ thể, mỗi loại phân bón chỉ được cấp 1 mã số riêng theo quyết định lưu hành, nhưng cơ sở sản xuất sử dụng mã số đó dùng cho nhiều loại phân bón khác nhau. Điều này gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra và người tiêu dùng không biết loại phân bón nào là có quyết định lưu hành.

* PV: Đồng chí cho biết, trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh có những giải pháp gì để đấu tranh, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón?

* Đồng chí Huỳnh Văn Nguyện: Để góp phần thực hiện tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới Cục QLTT tỉnh tập trung một số giải pháp trọng tâm.

Thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón.

Thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón.

Trước hết, Cục QLTT tỉnh sẽ đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón chấp hành đúng quy định về điều kiện kinh doanh; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, không đảm bảo chất lượng... Trong đó, đơn vị sẽ vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như trên báo, đài, trực tiếp thông qua công tác kiểm tra thị trường, giám sát, cho ký cam kết, phát tờ gấp, đăng tin bài trên Trang thông tin điện tử của Cục QLTT và Tổng cục QLTT...

Cục QLTT tỉnh sẽ duy trì việc tiếp nhận, xử lý dứt điểm, hiệu quả các thông tin phản ánh về đối tượng, địa bàn, dấu hiệu vi phạm tiếp nhận qua số điện thoại đường dây nóng Ban Chỉ đạo 389/TG, Cục QLTT, các Đội QLTT của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, nhất là công tác quản lý địa bàn; thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Một trong những giải pháp quan trọng là theo dõi, nắm chắc tình hình cung cầu, giá cả, phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm để chủ động kiểm tra, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm.

Cục QLTT tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Thanh tra Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tăng cường kiểm tra, lấy mẫu phân bón khi có dấu hiệu vi phạm để kiểm nghiệm chất lượng, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, buôn bán phân bón giả, không đảm bảo chất lượng và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.

Ngoài ra, Cục QLTT tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp tốt với các chủ thể sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong việc phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh phân bón xâm phạm về sở hữu trí tuệ.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

M. THÀNH (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202403/tien-giang-xu-ly-nghiem-cac-vi-pham-ve-san-xuat-buon-ban-phan-bon-gia-khong-dam-bao-chat-luong-1006722/