Tiền gửi cư dân lập kỷ lục mới, vượt 7 triệu tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chính thức vượt 7 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Có thêm 22.136 tỷ đồng được người dân gửi vào hệ thống ngân hàng
Trong năm 2024 vừa qua, lãi suất huy động liên tục tăng, các ngân hàng cũng tăng cường cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng nhiều chương trình khuyến mãi, đặc biệt vào dịp cuối năm. Nhờ đó, lượng tiền gửi của người dân tại nhiều nhà băng lập kỷ lục mới.
Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến hết tháng 11/2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chính thức vượt 7 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, tính tới cuối tháng 11/2024, tiền gửi dân cư tăng 7,16%, tức tăng 467.549 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong tháng 11/2024, có thêm 22.136 tỷ đồng được người dân gửi vào hệ thống ngân hàng.
Tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tính tới cuối tháng 11/2024 đạt 7,26 triệu tỷ đồng, tăng 6,26% so với cuối năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 25/12/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06%, đạt gần 14,7 triệu tỷ đồng. Cùng thời điểm, quy mô tín dụng đạt hơn 15,4 triệu tỷ đồng. Kết thúc năm 2024, quy mô tín dụng đạt 15,6 triệu tỷ đồng.
![Tính đến hết tháng 11/2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chính thức vượt 7 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Ngọc An](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_35_51459498/6b8f7aaf4de1a4bffdf0.jpg)
Tính đến hết tháng 11/2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chính thức vượt 7 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Ngọc An
18 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi hai con số
Thống kê từ Báo cáo tài chính quý IV/2024 của 27 ngân hàng (không bao gồm Agribank), tổng số dư tiền gửi khách hàng đạt hơn 11,1 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
Xét về số dư tuyệt đối, Agribank hiện đang dẫn đầu toàn ngành với 2 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 10,1%, tương đương 182.729 tỷ đồng so với đầu năm.
BIDV và VietinBank lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba trong nhóm Big4 cũng như toàn ngành ngân hàng. Trong đó, BIDV ghi nhận số dư tiền gửi ở mức 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 14,6%, còn ngân hàng VietinBank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 13,8% so với năm ngoái.
Số dư tiền gửi ngân hàng Vietcombank đứng ở vị trí thứ 4 toàn ngành và cũng là vị trí cuối cùng trong nhóm Big4 với 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, MB tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu về lượng tiền gửi với số dư đạt 714.154 tỷ đồng, tăng 25,8% so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với nhóm các ngân hàng quốc doanh, số dư tiền gửi của MB vẫn chưa bằng một nửa và đứng ở vị trí thứ 5 so với toàn bộ các ngân hàng Việt theo khảo sát.
Xếp ở vị trí thứ 5 và 6 về số dư tiền gửi khách hàng lần lượt thuộc về Sacombank và ACB. Cụ thể, Sacombank ghi nhận 566.882 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước, còn ACB ghi nhận 537.305 tỷ đồng, tăng 11,3%. Một ngân hàng khác ghi nhận mức tiền gửi trên 500.000 tỷ đồng là Techcombank với 533.392 tỷ đồng, tăng 17,3%.
Hai vị trí chót bảng trong danh sách 10 ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất năm 2024 là SHB và VPBank với lần lượt 499.897 tỷ đồng và 485.667 tỷ đồng, tương ứng tăng 11,7% và 9,8%.
Xét về tốc độ tăng trưởng, phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng tiền gửi so với cùng kỳ. Trong đó, MB là ngân hàng có số dư tiền gửi tăng nhanh nhất, cao hơn đầu năm 25,8%. Theo sau đó là ngân hàng NCB với số dư tiền gửi vào cuối tháng 12 đạt 96.117 tỷ đồng, tăng 25,1% so với đầu năm.
Đồng thời, có tới 18 trên tổng số 27 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi hai con số, đơn cử như MB (tăng 25,8%, tương đương 146.621 tỷ đồng), NCB (tăng 25,1%, tương đương 19.267 tỷ đồng), PGBank (tăng 21,3%, tương đương 7.596 tỷ đồng), LPBank (tăng 19,3%, tương đương 45.780 tỷ đồng) và HDBank (tăng 18%, tương đương 66.727 tỷ đồng)...
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 12/2024 cho thấy, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,1 - 4,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; mức lãi suất từ 4,4 - 5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; từ 5,0 - 5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,8 - 7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.