Tiền nhà, ai giữ thì nên?
Giải quyết ổn thỏa chuyện tiền bạc giữa vợ chồng sẽ góp phần giữ hạnh phúc cho mỗi gia đình
Mỗi lần bạn bè, đồng nghiệp bàn tán chuyện lương bổng, thu nhập, anh Q.N (33 tuổi; ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đều chỉ cười trừ. Lâu nay, anh giao luôn thẻ ATM cho vợ. Ngay cả việc nhận thông báo thay đổi số dư trong tài khoản cũng là số điện thoại của vợ. Mỗi tháng, chị N.D (vợ anh N.) đưa chồng vài triệu đồng để đổ xăng, uống cà phê, tiêu vặt...
Mỗi nhà mỗi kiểu
Theo Q.N, hồi mới cưới, vợ chồng anh thường không vui, nhiều khi mâu thuẫn với nhau cũng chỉ vì chuyện tiền bạc, chi tiêu trong gia đình. Vợ chồng anh đều làm công ăn lương, không dư dả gì mấy, nhất là sau khi có con đầu lòng. Trong khi đó, anh có lúc vui với bạn bè, sẵn tiền trong túi nên vung tay quá trán.
Không muốn không khí gia đình căng thẳng, vợ chồng anh Q.N thống nhất theo cách hiện tại. "Đàn ông đưa tiền cho vợ giữ là bình thường, phụ nữ vun vén khéo léo hơn. Khi nào có việc gì lớn, vợ chồng cùng bàn bạc, tính toán. Tuy giữ tay hòm chìa khóa nhưng vợ tôi rất tôn trọng quyết định của chồng" - anh Q.N tiết lộ.
Ngược với gia đình anh Q.N, trong nhà chị Y.V (26 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), "kế toán kiêm thủ quỹ" lại là người chồng. Hỏi ra mới biết từ thuở sinh viên, V. đã mắc chứng "nghiện" mua sắm nên khi lập gia đình, chuyện thiếu trước hụt sau lúc chưa tới kỳ lương luôn là nỗi ám ảnh. Cho nên, dù muốn hay không, anh H.L (chồng chị V.) vẫn phải đảm đương nhiệm vụ chi tiêu trong gia đình, từ ăn uống đến mua sắm, biếu cha mẹ hai bên, tiệc tùng, giải trí...
Với gia đình anh H.Q.L và chị N.L (30 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) thì có sự thỏa thuận rõ ràng. Anh gánh các chi phí chính yếu trong gia đình: tiền biếu cha mẹ hai bên, học phí của các con, điện, nước, internet, truyền hình cáp... Tiền lương của chị thì dùng vào chuyện đi chợ, chăm sóc sức khỏe, giải trí cho cả nhà... Ngoài ra, cả hai cùng trích ra một khoản nhất định nhằm đầu tư cho chuyện học hành, nghề nghiệp của các con sau này.
Trong khi đó, cũng có nhiều cặp vợ chồng quyết định... tiền ai nấy giữ. Đây cũng là xu hướng của phần đông người trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nếu vợ chồng cùng gặp khó khăn trong công việc, thu nhập thấp nhưng có nhiều khoản cần chi tiêu thì đôi khi vẫn phát sinh mâu thuẫn về tiền bạc.
Thấu hiểu và tôn trọng nhau
Sẽ rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác cho vấn đề ai là người nên giữ tiền trong gia đình. Bởi lẽ, điều đó còn phụ thuộc tính cách của mỗi người cũng như hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Q.N bày tỏ: "Điều quan trọng là vợ chồng nên thống nhất ai là người quản lý tài chính tốt hơn. Vợ hay chồng giữ tiền không phải điều quan trọng mà là cả hai cần có sự thấu hiểu và tôn trọng nhau. Nên thống nhất các quy tắc tài chính chung và công khai khoản thu nhập cũng như chi tiêu cá nhân. Nhờ đó, vợ chồng có sự quan tâm, thông cảm và bình đẳng về tài chính. Rõ ràng về tài chính là cách hạn chế những xung đột không đáng giữa vợ chồng".
Bên cạnh đó, theo dõi số tiền chi tiêu hằng ngày cũng quan trọng không kém trong việc thiết lập ngân sách gia đình. Nếu không biết chính xác tiền xài mỗi ngày vào những khoản gì, vợ hoặc chồng sẽ không kiểm soát được mức chi tiêu. Việc theo dõi các khoản chi tiêu cũng giúp nắm được tình hình tài chính hiện tại của gia đình và có những điều chỉnh hợp lý.
"Một phương thức phân chia trách nhiệm tài chính khá hiệu quả là mỗi thành viên chịu trách nhiệm với những khoản chi tiêu khác nhau. Ví dụ, chồng thanh toán tiền nhà và điện, nước; vợ sẽ lo chi tiêu các khoản ăn uống và sinh hoạt phí còn lại. Mỗi người tự quản lý chi tiêu cá nhân và phần chi phí chung trong trách nhiệm của mình. Việc phân vai tài chính sẽ giúp quá trình thu chi trở nên đỡ khó khăn hơn cho các cặp đôi trẻ. Không nhất thiết vợ lúc nào cũng phải là người quản lý thu chi. Vị trí "tay hòm chìa khóa" nên được giao cho ai có năng khiếu trong việc chi tiêu và yêu thích công việc này. Nếu thấy khó khăn trong việc hoạch định và phân bổ chi tiêu, ta có thể nhờ quyền trợ giúp từ "nửa kia" - anh H.Q.L phân tích.
Theo anh H.Q.L, việc dành thời gian cùng quản lý chi tiêu là một cách để vợ chồng nuôi dưỡng mối quan hệ trở nên bền vững, gắn kết hơn khi luôn trao đổi và chia sẻ cùng nhau trách nhiệm. Ngoài ra, thái độ thẳng thắn, minh bạch và hợp tác trong việc quản lý tài chính sẽ giúp vợ chồng đỡ căng thẳng khi không biết tiền đã đi đâu, cũng như giảm đi những thất vọng nếu có khi tài chính thâm hụt hoặc cạn kiệt vì "bội chi".
Ai giữ tiền trong nhà không quan trọng, cái chính là làm thế nào để tài chính gia đình và cuộc hôn nhân luôn được bền vững.
Thẳng thắn, công khai các khoản chi tiêu
Theo TS Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia tại TP HCM, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP - chuyện vợ hay chồng giữ tiền là câu hỏi muôn thuở của nhiều gia đình. Về vấn đề này, vợ chồng phải ít nhất một lần ngồi nghiêm túc với nhau trao đổi về mục tiêu của gia đình, từ chuyện nhà cửa, mua sắm đến việc học của con... Sau đó, cân nhắc nguồn tiền hằng tháng của gia đình, nguồn cố định và không cố định, cân đối để tính toán chi tiêu ở mức thông thường thế nào, bao nhiêu mỗi tháng; nếu mua sắm thêm thì có phù hợp với mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của gia đình hay không?
"Nếu không thống nhất về bức tranh chung tài chính thì rất khó để nói tiêu hay không nên tiêu tiền. Cần lắng nghe ý kiến của cả vợ và chồng, xem ý kiến của ai phù hợp với mục tiêu chung của gia đình hơn thì theo người đó, không nên bảo thủ ý kiến cá nhân" - TS Phạm Thị Thúy nhìn nhận.
TS Phạm Thị Thúy cho biết cũng có trường hợp trong gia đình tiền ai người nấy giữ. Có trường hợp người phụ nữ kiếm tiền ít hơn nhưng phải chi tiêu nhiều khoản trong gia đình, khi ngỏ ý muốn chồng sắp xếp lại chi tiêu thì người chồng nghĩ sao vợ mình tiêu hoang thế, tiêu nhiều thế. Trong trường hợp này, người vợ nên ghi ra danh sách những thứ phải chi tiêu trong gia đình để chồng biết.
"Nhiều người chồng nghĩ số tiền vợ có và giữ đủ với các khoản cần chi. Tốt nhất là người vợ nên thẳng thắn, công khai các khoản chi tiêu cho chồng được biết" - bà Phạm Thị Thúy nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tien-nha-ai-giu-thi-nen-20220827202504468.htm