Tiến sĩ đã cống hiến gì cho giáo dục và kinh tế xã hội?

PGS.TS Triệu Thế Hùng cho rằng trước khi chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, Bộ GD&ĐT nên có tổng kết, đánh giá cụ thể những đề án liên quan đã triển khai trước đó.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 15/11, PGS.TS Triệu Thế Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn Lâm Đồng - cho biết đào tạo 9.000 tiến sĩ phục vụ nâng cao năng lực giảng viên của cơ sở giáo dục ĐH đến năm 2025 là nhiệm vụ không mới. Đây là kế thừa Đề án 322 và Đề án 911 đã và đang thực hiện.

Có lỗ hổng chính sách, thiếu hậu kiểm, giám sát

Đại biểu Quốc hội này cho rằng trong thời điểm đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà, nhất là giáo dục ĐH, việc đào tạo tiến sĩ là tất yếu.

"Bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng viên các trường ĐH phải làm thường xuyên, liên tục”, ông Hùng nói.

PGS.TS Triệu Thế Hùng cho rằng cần có tổng kết, đánh giá các đề án trước đó rồi mới nên triển khai đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Ảnh: Thắng Quang.

PGS.TS Triệu Thế Hùng cho rằng cần có tổng kết, đánh giá các đề án trước đó rồi mới nên triển khai đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Ảnh: Thắng Quang.

Trước băn khoăn về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nhiều cơ sở được ví như “lò ấp”, đào tạo 9.000 tiến sĩ có ồ ạt, chạy theo số lượng, ông Hùng cho rằng do có lỗ hổng chính sách, thiếu hậu kiểm, giám sát. Có tư tưởng phát triển nóng về số lượng.

“Nhìn lại Đề án 911 đã và đang triển khai với kỳ vọng đến năm 2020 có 20.000 tiến sĩ. Thực tế hiện nay, chúng ta mới có 2.900 nghiên cứu sinh, một tỷ lệ không lớn trong đó đã tốt nghiệp.

Đó là mới nhìn về số lượng thuần túy còn về chất lượng chưa có đánh giá, tổng kết. Họ đã cống hiến được gì cho giáo dục và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam? Tôi cho rằng muốn làm cái mới phải tổng kết cái cũ, từ đó đưa ra quy mô đào tạo bao nhiêu là vừa”, ông Hùng nêu quan điểm.

Cần tổng kết, đánh giá trước khi đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ

Đánh giá về đề án cũ, ông Hùng thấy có những hạn chế. Thứ nhất, người giỏi đáp ứng đủ điều kiện để đưa sang nước ngoài đào tạo tiến sĩ không nhiều. Thứ hai, đãi ngộ về kinh tế để thu hút họ trở về chưa thỏa đáng.

Những người thực sự giỏi thường tự tìm nguồn học bổng để được hỗ trợ nhiều hơn chứ không đi theo đề án của Nhà nước. Họ sẽ có cơ hội hơn khi có bằng tiến sĩ.

“Bên cạnh đó, các cơ sở liên kết đào tạo tiến sĩ với nước ngoài ở Việt Nam chưa nhiều. Chúng ta đào tạo ở cơ sở trong nước, muốn chạy theo quy mô, số lượng. Có cơ sở giáo dục ĐH buông lỏng tiêu chí, tạo ra tiến sĩ nhưng không có năng lực thực khiến dư luận lên tiếng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng đề nghị tổng kết đánh giá đề án đã và đang triển khai trước khi quyết định đào tạo 9.000 tiến sĩ mới. Đào tạo 9.000 tiến sĩ là đề án mới hay tiếp nối đề án cũ cũng phải có tổng kết, thống kê rõ ràng.

“Việc thống kê phải rõ số lượng, đối tượng cần bồi dưỡng, độ tuổi nào, sau khi đào tạo về cống hiến được thêm bao nhiêu năm nữa. Các ngành nghề nào chúng ta đã đào tạo được, ngành nghề nào còn thiếu về cơ sở vật chất? Ngành nào mới chúng ta chưa có hãy chọn người giỏi để đưa sang nước ngoài đào tạo", ông Hùng phân tích.

Thắng Quang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tien-si-da-cong-hien-gi-cho-giao-duc-va-kinh-te-xa-hoi-post796214.html