Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình: Sử dụng phần mềm xét tuyển chung năm 2025 là bước đi chiến lược
Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, việc triển khai phần mềm tuyển sinh chung giúp chuẩn hóa quy trình, tăng minh bạch, bảo mật trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp.
Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) đang phối hợp chặt chẽ với Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Vụ Giáo dục Đại học triển khai phần mềm tuyển sinh chung dành cho trình độ cao đẳng theo Kế hoạch số 872/KH-BGDĐT ngày 27/6/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc áp dụng phần mềm không chỉ là bước tiến trong ứng dụng công nghệ mà còn góp phần chuẩn hóa quy trình tuyển sinh, tạo nền tảng đồng bộ về nghiệp vụ, hạ tầng số và tư duy chuyển đổi số trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đây là lần đầu tiên hệ thống phần mềm tuyển sinh chung được triển khai một cách đồng bộ, mở ra khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu liền mạch giữa các cơ sở đào tạo từ bậc đại học đến cao đẳng.

TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT).
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên để hiểu rõ hơn về ý nghĩa, cách thức vận hành và kỳ vọng của chương trình lần này.
Tập huấn là khâu then chốt trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp
- Thưa ông, việc tổ chức tập huấn phần mềm xét tuyển chung năm 2025 cho các trường cao đẳng có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình chuyển đổi số của ngành?
TS Phạm Vũ Quốc Bình: Tôi cho rằng đây là một bước đi mang tính chiến lược, thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm cao của ngành giáo dục nghề nghiệp trong việc thực hiện chuyển đổi số. Phần mềm xét tuyển chung không chỉ đơn thuần là một công cụ kỹ thuật, mà là nền tảng giúp thay đổi toàn bộ quy trình xử lý tuyển sinh, từ cách thức tiếp nhận nguyện vọng đến xét tuyển, thống kê, đối soát dữ liệu.
Việc tổ chức tập huấn có ý nghĩa then chốt, giúp các trường không chỉ nắm rõ kỹ thuật vận hành mà còn hiểu được logic dữ liệu, trách nhiệm pháp lý và cách tương tác trong hệ thống tập trung. Chúng tôi xác định rõ, công cụ tốt mà con người không vận hành đúng thì hiệu quả cũng không như mong muốn. Vì vậy, đầu tư vào tập huấn là đầu tư cho thành công lâu dài và sự phát triển bền vững của nền giáo dục nghề nghiệp.
Sự chủ động của các trường là tín hiệu rất tích cực
- Phần mềm đang được chạy thử và lấy ý kiến góp ý từ các trường. Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp và mức độ sẵn sàng từ phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp?
TS Phạm Vũ Quốc Bình: Tôi rất vui khi thấy các trường cao đẳng trên cả nước đã thể hiện tinh thần rất chủ động, trách nhiệm và hợp tác. Đợt chạy thử không chỉ giúp phát hiện, điều chỉnh những điểm còn bất cập của phần mềm mà còn là dịp để các trường làm quen với hệ thống, chuẩn hóa lại quy trình xử lý dữ liệu nội bộ.
Rất nhiều cơ sở đào tạo đã tham gia đầy đủ các buổi hướng dẫn, chủ động nêu vướng mắc và đề xuất giải pháp cải tiến. Thậm chí, có trường còn bố trí cả đội ngũ IT hỗ trợ tuyển sinh để đồng hành sát sao cùng phần mềm trong suốt mùa tuyển sinh.
Điều này cho thấy giáo dục nghề nghiệp đang thực sự chuyển mình, sẵn sàng tiếp cận với những nền tảng công nghệ mới để phục vụ người học một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Đại diện lãnh đạo Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cùng đại diện các trường Cao đẳng trên toàn quốc tham gia hội thảo.
Ba trọng tâm trong tập huấn là kỹ thuật, quy trình và bảo mật
- Trong nội dung tập huấn, Cục nhấn mạnh những yếu tố nào để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và đồng bộ trong xử lý nguyện vọng?
TS Phạm Vũ Quốc Bình: Chúng tôi xác định ba trọng tâm chính trong tập huấn: Kỹ thuật, quy trình và bảo mật.
Về kỹ thuật, đội ngũ tập huấn hướng dẫn chi tiết các bước xử lý nguyện vọng, từ nhập dữ liệu, lọc trùng, phân loại nguyện vọng đến chốt danh sách xét tuyển.
Về quy trình, các trường cần tuân thủ thời gian, cấu trúc dữ liệu và quy định về điểm ưu tiên, khu vực, đối tượng… để bảo đảm tính công bằng trong xét tuyển. Đồng thời, các quy trình phối hợp với phần mềm tuyển sinh đại học cũng được thống nhất nhằm tránh xung đột dữ liệu giữa hai hệ thống.
Về bảo mật, đây là yếu tố sống còn. Chúng tôi yêu cầu tất cả đơn vị đào tạo phải cam kết sử dụng hệ thống đúng mục đích, không chia sẻ tài khoản, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của thí sinh.

Đại diện lãnh đạo các trường CĐ trên toàn quốc tham gia chương trình tập huấn.
Hướng tới một hệ sinh thái dữ liệu giáo dục nghề nghiệp hiện đại
- Ông có thể chia sẻ kỳ vọng của Cục về hiệu quả vận hành của phần mềm tuyển sinh chung trong mùa tuyển sinh năm nay và định hướng phát triển trong thời gian tới?
TS Phạm Vũ Quốc Bình: Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi là phần mềm sẽ giúp quy trình xét tuyển của hệ thống cao đẳng được minh bạch hóa, chuẩn hóa và tiết kiệm hơn cả về nhân lực lẫn thời gian. Đây là một cuộc “tổng kiểm kê” thông minh, giúp cả hệ thống nhìn lại mình, rà soát quy trình, cập nhật dữ liệu theo chuẩn chung và từ đó xây dựng một cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp đồng bộ trên toàn quốc.
Về lâu dài chúng tôi muốn tiến tới tích hợp hệ thống này với các nền tảng quản lý học sinh, sinh viên, hệ thống học bạ số, kết nối dữ liệu với thị trường lao động để phục vụ công tác dự báo nguồn nhân lực. Khi đó, tuyển sinh không chỉ là đầu vào mà còn là một phần trong bức tranh tổng thể của chuyển đổi số ngành giáo dục nghề nghiệp, việc này giúp cho cơ hội lựa chọn mở rộng với các em học sinh tốt nghiệp THPT theo đúng nguyện vọng của mình.
Xin cảm ơn ông!
Phần mềm tuyển sinh chung trình độ cao đẳng năm 2025 là công cụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển trên nền tảng công nghệ tích hợp, có khả năng liên thông dữ liệu với hệ thống tuyển sinh đại học, bảo đảm sự minh bạch, đồng bộ và an toàn thông tin trong quá trình xét tuyển.