Tiền thi hành án bị chậm có được lấy lãi không?

Cần xác định nguyên nhân của sự chậm trễ, nếu người được thi hành án cho rằng không phải lỗi của họ thì có quyền khởi kiện để yêu cầu phần lãi cho thời gian chậm thi hành án.

Trong các vụ án, phần bồi thường thiệt hại mà tòa tuyên các bị cáo hoặc đương sự phải chịu không phải lúc nào cũng đến tay người được thi hành án ngay. Có trường hợp mười mấy năm sau khi có bản án của tòa, người được thi hành án mới nhận được tiền.

Cụ thể như trường hợp một phạm nhân phải thi hành án hơn 6 triệu đồng, vì nhiều lý do mà đơn yêu cầu thi hành án của người được nhận tiền không đến được cơ quan thi hành án. Cơ quan này cũng không nhận được tiền tự nguyện thi hành án của phạm nhân kia nên 18 năm sau, người thi hành án cũng chưa nhận được tiền.

Từ đây, nhiều bạn đọc có thắc mắc số tiền phải thi hành án trên, sau 18 năm có được tính lãi?

Trả lời vấn đề này, một chấp hành viên cho biết, người được thi hành án phải nộp đơn yêu cầu thi hành án trong thời hạn luật định (5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, trước 1/7/2009 là ba năm). Quá thời hạn luật định mà không thuộc trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng…thì người được thi hành án hết quyền yêu cầu.

Khi đó, căn cứ theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 62/2015, trong trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp.

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến (trường Đại học Luật TP.HCM) phân tích thêm, tòa tuyên án như thế nào thì cơ quan thi hành án thế ấy. Nếu bản án chỉ tuyên bị cáo bồi thường một số tiền cụ thể, không tuyên về lãi suất thì cơ quan thi hành án không có căn cứ để thi hành về lãi suất.

Trường hợp nếu người được thi hành án cho rằng tiền thi hành án của mình bị “ngâm” 18 năm, không phải lỗi do họ thì luật dành cho họ quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Tất nhiên, nếu muốn được bồi thường thì phải chứng minh được lỗi của cơ quan nào, trại giam, cơ quan thi hành án hay chấp hành viên có lỗi dẫn đến thiệt hại.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tien-thi-hanh-an-bi-cham-co-duoc-lay-lai-khong-post743645.html