Tiếng khèn trên đỉnh núi
ĐBP - Mặt trời lên cao xua đi màn sương mù bao phủ những dãy núi ở Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo), dần hiện ra những nếp nhà của người Mông cheo leo nơi lưng núi, xen lẫn những cây đào rừng đang bung hoa, rung rinh dưới nắng xuân. Trong bảng lảng sương núi bất chợt ngân lên âm thanh lúc trầm, lúc bổng, khi lại rạo rực, réo rắt say đắm lòng người.
![Anh Mùa A Dình (hàng trước) chia sẻ kiến thức về khèn Mông với các em học sinh Trường THPT huyện Tuần Giáo.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_422_51419914/a73879e740a9a9f7f0b8.jpg)
Anh Mùa A Dình (hàng trước) chia sẻ kiến thức về khèn Mông với các em học sinh Trường THPT huyện Tuần Giáo.
Theo tiếng khèn lôi cuốn tôi tìm đến nhà anh Mùa A Dình, ở bản Lồng, xã Tỏa Tình - một người đam mê với nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông.
Điều khiến nhiều người bất ngờ là chủ nhân của tiếng khèn điêu luyện lại là thanh niên mới ngoài 30 tuổi. Dình là chàng trai người Mông hiền lành, dáng người nhỏ, nhanh nhẹn với làn da rám nắng.
Mùa A Dình chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở Tỏa Tình. Người đầu tiên truyền dạy cho tôi những kỹ thuật cơ bản về thổi, múa khèn là bố và anh trai. Từ năm lên 9 tuổi tôi đã học thổi khèn. Đam mê, yêu thích nhạc cụ dân tộc mình, tôi đã hăng say tập luyện và thành thục các điệu múa khèn khi 15 tuổi và thường xuyên tham gia biểu diễn múa khèn trong các dịp tết, lễ hội trong bản và các cuộc giao lưu của xã, huyện. Nhờ đó, kỹ năng thổi, múa khèn ngày càng được nâng lên; thuần thục các bài múa, kỹ thuật thổi khèn khó trong lễ hội như: Xuân vùng cao, Tiếng khèn gọi bạn, Tiếng khèn xuống chợ…
Cây khèn là một trong những vật dụng song hành trong suốt cuộc đời của người Mông, là linh hồn của văn hóa dân tộc Mông. Tùy vào từng hoàn cảnh mà thổi các bài khèn khác nhau. Đối với các bài khèn trong việc lễ, việc tang giai điệu phải trầm bổng, bi ai. Còn các bài khèn trong dịp tết, đám cưới thường rộn rã, vui tươi kết hợp động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm... của nghệ nhân.
Tường nhà treo kín giấy khen, giải thưởng Mùa A Dình đạt được trong các cuộc thi, liên hoan ngày hội văn hóa từ cấp tỉnh cho đến cấp quốc gia càng khiến chúng tôi khâm phục anh hơn. Như: Giải B tại Ngày hội văn hóa Mông toàn quốc năm 2016; giải A tại Lễ hội Hoa Ban năm 2017, 2019; giải A tại Giao lưu văn hóa văn nghệ trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024…
Không chỉ đam mê văn hóa dân tộc mà Mùa A Dình luôn mong muốn truyền tải, đưa văn hóa dân tộc đến với mọi người; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những ai có nhiệt huyết, đam mê với khèn Mông. Nhiều người từ không biết thổi đến nay đã thành thạo các bài khèn của dân tộc Mông.
Không chỉ truyền dạy cho những người yêu thích khèn Mông, tại nhà anh Mùa A Dình còn là “địa chỉ đỏ” tin cậy của các em học sinh muốn trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông. Đã nhiều lần giáo viên Trường THPT huyện Tuần Giáo đưa học sinh lên Tỏa Tình tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông, trong đó có tiếng khèn và điệu múa khèn của anh Mùa A Dình.
Rời Tỏa Tình trong tiết xuân, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, tiếng khèn của Mùa A Dình và người dân người dân trên đỉnh núi mờ sương như theo chân chúng tôi xuống núi.
Anh Nguyễn
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/tieng-khen-tren-dinh-nui