Tiếng nói của trẻ em trong giai đoạn COVID-19

Nhiều trẻ em có điều kiện cùng đóng góp hỗ trợ trẻ em khó khăn vượt qua đại dịch COVID-19. Ảnh: KIM CHI

Thời gian qua, nhiều trẻ em có cơ hội đóng góp ý kiến và cùng tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành.

Theo một khảo sát của tổ chức UNICEF, có 47,9% cha mẹ để con của họ quyết định hoặc nêu ý kiến và 27,1% cha mẹ để con họ được quyết định hoàn toàn.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Tiếng nói của trẻ em rất quan trọng trong việc thấu hiểu các tác động của đại dịch lên đời sống của các em cũng như trong việc tìm hiểu nhu cầu của trẻ em và đáp ứng các nhu cầu đó một cách hiệu quả. Mặc dù ý kiến của các em vẫn thường bị bỏ qua và bị hạn chế, song một số bậc cha mẹ đã lắng nghe con mình, hướng dẫn con làm việc nhà và khuyến khích con tham gia vào các hoạt động xã hội cũng như các quyết định ảnh hưởng đến bản thân con.

Em Nguyễn Thiên Hòa, phường 4 (TP Tuy Hòa) nói: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, phải học tại nhà qua phần mềm Zoom, nên em xin ba mẹ mua cho chiếc điện thoại để phục vụ việc học tập. Ba mẹ hiểu và mua điện thoại cho em, nhờ đó việc học không bị gián đoạn.

Còn chị Đỗ Nguyễn Ngọc Oanh, phường 7 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Trong thời gian dịch bệnh, các con tôi đã chủ động làm việc nhà và thói quen này đang phát huy tính tích cực của nó. Các con cũng rất thích chia sẻ và nói về tình hình dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, trên thế giới và chủ động trong việc đảm bảo 5K để phòng chống dịch an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Đại dịch COVID-19 vẫn còn, những vấn đề liên quan đến trẻ em trong và sau đại dịch COVID-19 là vấn đề cấp bách cần được các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội quan tâm.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, trạng thái bình thường mới mang lại nhiều cơ hội cho chính quyền, địa phương, cha mẹ, giáo viên, nhân viên y tế và trẻ em. Một số cha mẹ dành thời gian dạy con kỹ năng sống. Những thay đổi thói quen tích cực như vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng) cũng được ghi nhận. Nhưng để duy trì những thói quen này cần sự chung tay, hỗ trợ có hệ thống. Sự đoàn kết và gắn kết xã hội được tăng cường thông qua nền tảng truyền thông cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, nơi họ có thể chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong chăm sóc, giáo dục trẻ em, hoặc qua những hành động tốt đẹp như quyên góp gạo và những nhu yếu phẩm khác, giúp đỡ những gia đình, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/276315/tieng-noi-cua-tre-em-trong-giai-doan-covid-19.html