Tiếng Việt giàu đẹp: Liệu cơm gắp mắm

Vừa rồi chương trình 'Vua tiếng Việt' có bàn về thành ngữ 'Liệu cơm gắp mắm'. Theo nhà thơ Hữu Việt phát biểu trên VTV:

"Người ta nói là liệu cơm gắp mắm, ngoài cái việc tức là nếu mình mà gắp nhiều quá thì nó mặn, đâm ra mất ngon đi, nhưng nó còn ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là chúng ta phải liệu cái chừng mực trong công việc, hay trong hành xử sao cho nó hợp lý".

Còn nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cho rằng: "Liệu cơm gắp mắm" vốn có nghĩa đen (hiện vẫn được dùng trong thực tế), đó là ước lượng, trù liệu để lấy mắm ra ăn sao cho vừa đủ, tiết kiệm, không lãng phí. Nghĩa bóng được hiểu khá rộng: 1- Căn cứ vào yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể mà trù tính, liệu biện cho hợp lý, sát đúng; 2- Tùy theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà đưa ra cách làm thích hợp".

Liệu cơm gắp mắm (Ảnh minh họa tử Internet)

Liệu cơm gắp mắm (Ảnh minh họa tử Internet)

Vấn đề đặt ra ở đây, tại làm sao từ "liệu" lại xuất hiện trong ngữ cảnh này?

"Liệu: Toan tính lo lắng, nghĩ phải làm thế nào" - "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895), "Liệu: Toan tính" - "Việt Nam tự điển" (1931). Có hàng loạt câu tục ngữ liên quan đến từ "liệu" như "Liệu gió phất cờ", "Liệu tài bổ chức, liệu sức bổ gánh", "Liệu oản đọc kinh", "Liệu bò đo chuồng", "Liệu chiều che gió", hoặc "Liệu cơm mà gắp mắm ra/ Liệu cửa liệu nhà mà lấy chồng đi"… Căn cứ "Từ điển Truyện Kiều" của học giả Đào Duy Anh, từ "liệu" xuất hiện cả thảy 18 lần; ngoài ra còn có từ liệu bài, liệu chừng, liệu những từ nhà, liệu với thân. Rõ ràng từ "liệu" quen thuộc với cách nói xưa nay của người Việt, kể cả khi nói "liệu hồn/ liệu thần hồn" lại hàm nghĩa khác.

Có thể nói "liệu" là tính toán, tính trước một việc gì đó hết sức cần thiết, có tính quan trọng, lớn lao; trong khi đó mắm có là gì đâu mà phải liệu, phải cân nhắc, tính toán trước khi gắp? Đã thế, mỗi lần gắp thì một gắp, vài gắp cũng không nhiều nhặn, chỉ nằm vỏn vẹn trong hai đầu chiếc đũa kẹp lại. Mà, mắm không phải đặc sản, cao lương mỹ vị gì. Hơn nữa, mỗi lần làm mắm, người thường dự trữ trong lu, khạp, thừa sức ăn cả năm; vậy, khi gắp với số lượng ít ỏi cần gì phải liệu?

Ấy thế, từ liệu đã xuất hiện là có chủ đích, chứ tục ngữ, thành ngữ không bao giờ nói khơi khơi, nói vu vơ, nói lấy được mà luôn cân nhắc, đã được sàng lọc qua bao đời. "Liệu cơm gắp mắm" - không chỉ liệu do sự việc đó có tính quan trọng, lớn lao mà cả việc bình thường như "cơm ngày ba bữa, đỏ lửa ba lần", trước lúc ăn thì ngay cả mắm - dẫu nhà còn dự trữ nhiều nhưng cũng phải liệu. Liệu chừng ấy người ăn, gắp ra bao nhiêu là vừa, không thừa không thiếu.

Lời dặn dò này nhắc nhở về tính tiết kiệm, tằn tiện, không lãng phí, phải chu toàn liệu trước ngay cả việc nhỏ nhất, chứ không phải chỉ việc lớn. Cái hay, cái độc đáo của câu tục ngữ này, còn là chọn từ "mắm/ gắp mắm" xuất hiện cùng với từ "liệu /liệu cơm" rất quen thuộc, do đó, không chỉ dễ hiểu mà còn dễ nhớ, dễ truyền miệng.

Từ đó, hiểu qua nghĩa bóng là trước khi bắt tay làm, thực hiện một việc gì đó, dù lớn dù nhỏ thì mình cũng phải tính toán trước. Liệu xem tài lực đến đâu, khả năng thực có ra sao, hoàn cảnh cụ thể thế nào thì làm trong khả năng đó, phạm vi đó, hòng về sau tránh xảy ra trường hợp ngoài ý muốn.

Lê Minh Quốc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tieng-viet-giau-dep-lieu-com-gap-mam-196241214191712266.htm