Tiếp diễn tình trạng phá rừng trái phép tại xã biên giới Ia Mơ

Lực lượng chức năng huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang tích cực điều tra, xác minh vụ cưa hạ 183 cây gỗ trái phép xảy ra tại tiểu khu 1008 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur và tiểu khu 1012 do UBND xã Ia Mơ quản lý .

Thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Đoàn Kiểm tra liên ngành số 2 (Chi Cục Kiểm lâm) vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, Đồn Biên phòng Ia Lốp, UBND xã Ia Mơ và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur tiến hành kiểm tra, xác minh vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 1008 và tiểu khu 1012 (thuộc xã Ia Mơ).

Cây rừng tại xã biên giới Ia Mơ tiếp tục bị đốn hạ trái phép. Ảnh: T.D

Cây rừng tại xã biên giới Ia Mơ tiếp tục bị đốn hạ trái phép. Ảnh: T.D

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại lô 31, khoảnh 9, tiểu khu 1008, thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý và lô 13, khoảnh 8, tiểu khu 1012, thuộc UBND xã Ia Mơ quản lý có 183 cây gỗ bị cưa hạ. Qua xác định chủng loại, gồm: căm xe, cà chít, dầu… với đường kính gốc từ 8 cm đến 30 cm, chiều cao từ 10 cm đến 80 cm. Tổng khối lượng thiệt hại gần 9 m3 gỗ.

Tại hiện trường, cây rừng bị khai thác nằm rải rác, toàn bộ phần thân cây đã bị lấy đi, chỉ còn lại gốc, cành, ngọn, lá đã khô cũ. Thời gian cây rừng bị cưa hạ trái phép vào khoảng tháng 5-2024 và chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Trung Văn-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer-thông tin: Phần diện tích rừng bị phá nằm xen kẽ với nương rẫy trồng hoa màu của người dân nên rất khó trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo thống kê của địa phương, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xã Ia Mơ đã xảy ra 9 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp gây thiệt hại 1.300 m2 rừng, gần 28 m3 gỗ tròn, 75.800 kg củi.

Cây rừng bị khai thác trái phép chủ yếu do người dân xâm lấn nhằm cơi nới khu vực đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.D

Cây rừng bị khai thác trái phép chủ yếu do người dân xâm lấn nhằm cơi nới khu vực đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.D

Còn theo UBND xã Ia Mơ, hiện xã không có cán bộ chuyên trách được đào tạo về quản lý, bảo vệ rừng trong khi lâm phần do UBND xã được giao quản lý rộng và tiếp giáp nhiều địa phương. UBND xã đã thuê lao động phổ thông tại chỗ để thực hiện công việc quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng này đã cố gắng hết sức trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng nhưng không được sử dụng các công cụ hỗ trợ trong công việc nên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt khi có thông tin chuyển đổi vùng tưới của Hồ thủy lợi Ia Mơ, người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận xâm canh, xâm hại cây rừng vì lo lắng sau này không còn đất sản xuất.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tiep-dien-tinh-trang-pha-rung-trai-phep-tai-xa-bien-gioi-ia-mo-post285033.html