Tiếp động lực để An Giang kết nối vùng ĐBSCL

Nhằm phát huy vai trò là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL, đánh thức tiềm năng kinh tế biên giới, An Giang rất cần sự quan tâm về cơ chế, chính sách cũng như đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương, đặc biệt là các công trình có ý nghĩa liên kết vùng ĐBSCL.

Xứng danh quê hương Bác Tôn

Trong quy hoạch chung TP. Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có quy hoạch phân khu phát triển cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng) trở thành đô thị du lịch sinh thái - sông nước hiện đại, kết hợp bảo tồn những giá trị văn hóa sông nước miền Tây.

Để thực hiện quy hoạch này và để xứng đáng với công lao của Bác Tôn, ngày 18/1/2022, UBND tỉnh An Giang có Tờ trình 29/TTr-UBND gửi Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, đề nghị hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng cầu Tôn Đức Thắng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Cầu sẽ kết nối từ đường tránh TP. Long Xuyên qua cù lao Ông Hổ, sau đó đi qua địa bàn huyện Chợ Mới để kết nối với tỉnh Đồng Tháp.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã khảo sát và đề xuất quy mô dự án theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa cấp đặc biệt trên sông Hậu, quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BGTVT, ngày 29/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải. Cầu dự kiến rộng 16m, 4 làn xe, toàn cầu dài 1.990m (cầu dây văng nhịp chính 300m); tổng mức đầu tư 3.080 tỷ đồng. Do yêu cầu cấp thiết, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét hỗ trợ thực hiện đầu tư cầu Tôn Đức Thắng.

Tạo động lực cho kinh tế biên giới

Tại Công văn 1804/TTg-CN, ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, khu kinh tế cửa khẩu An Giang tiếp tục được lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để xây dựng và phát triển một cách toàn diện tuyến hành lang kinh tế biên giới, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tỉnh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

Theo đó, nhằm tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại khu vực kinh tế cửa khẩu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu.

Về quản lý đất đai, phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa gần 300ha (tương đương quy mô những dự án phát triển đô thị thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh); quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 500ha, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh An Giang sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

Về thuế, phí và lệ phí, cho phép địa phương được sử dụng nguồn thu từ thuế, phí trong khu kinh tế cửa khẩu để tái đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu vực kinh tế cửa khẩu; áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 15% và thuế thu nhập cá nhân ở mức 5% đối với các dự án đầu tư trong khu vực kinh tế cửa khẩu trong suốt vòng đời dự án.

Tỉnh cũng kiến nghị cho phép địa phương được quyền ban hành danh mục một số ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với pháp luật về đầu tư và được hưởng các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cao hơn các dự án nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu, gồm các lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo; nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, chế tạo; xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại - dịch vụ; năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe; xây dựng và kinh doanh dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần bến cảng; xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan (quy mô sử dụng và tổng vốn đầu tư cụ thể cho từng dự án sẽ được đề xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương).

Kết nối vùng ĐBSCL

Nhằm tăng cường kết nối giao thông giữa An Giang với các địa phương trong vùng ĐBSCL và ngược lại, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Theo đó, tỉnh đề nghị sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, bắc qua sông Tiền nối huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) và TX. Tân Châu (tỉnh An Giang). Đây là cây cầu nằm trên Quốc lộ N1 (đi qua địa phận các tỉnh Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang). Đồng thời, sớm công nhận Quốc lộ 80B đi từ TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) qua địa phận tỉnh An Giang, kết nối đến Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), chiều dài khoảng 90km; triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Thuận Giang, bắc qua sông Vàm Nao, kết nối thông suốt Quốc lộ 80B.

UBND tỉnh còn đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 950, đi từ Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (điểm cuối Quốc lộ 80B) đến Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình (huyện An Phú). Đây là tuyến đường nối liền 2 cửa khẩu quan trọng của tỉnh, kết nối Quốc lộ 80B, Quốc lộ N1 và đoạn kết nối Quốc lộ 110 (tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia) để vận chuyển hàng hóa liên vùng, kích thích kinh tế biên giới phát triển.

UBND tỉnh An Giang còn đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, được nêu tại Công văn 267/UBND-KTN, ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tiep-dong-luc-de-an-giang-ket-noi-vung-dbscl-a355891.html