Tiếp lửa nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ

Trong những ngày cả nước kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1945-22/12/2024), hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), nhiều nhà xuất bản đã ấn hành các tác phẩm mang đề tài lịch sử và giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Chương trình giao lưu trong buổi ra mắt sách "Đường chúng ta đi" tại không gian Đường sách.

Chương trình giao lưu trong buổi ra mắt sách "Đường chúng ta đi" tại không gian Đường sách.

Cuốn sách “Những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1989” vừa được Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt trong buổi khai mạc Tuần lễ sách Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Đường sách thành phố.

Ban biên soạn cuốn sách đã chọn hơn 100 trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang thành phố thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), và thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia (1975-1989).

Cuốn sách có giới thiệu 2 trận đánh mang tính quyết định và biểu tượng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đó là trận đánh vào Dinh Độc Lập (31/1-1/2/1968) và trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy (31/1/1968). Từ ngày 20-24/10/1967, tại Hội nghị mở rộng, Bộ Chính trị đã quyết định tiến hành cuộc Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân 1968.

Đây là cuộc Tổng tiến công đồng loạt của quân và dân ta ở miền nam dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm tạo bước ngoặt chiến lược, chuyển chiến tranh cách mạng miền nam sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Dù không hoàn toàn giành chiến thắng về mặt quân sự, nhưng cuộc tiến công này đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của người dân Mỹ về chiến tranh Việt Nam, khiến dư luận Mỹ phải nghi ngờ về khả năng thắng lợi của Mỹ trong chiến tranh và góp phần vào quyết định rút quân Mỹ khỏi Việt Nam sau đó.

Đại tá Phạm Công Chững, nguyên Trưởng ban Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, chủ biên cuốn sách chia sẻ, quá trình thực hiện cuốn sách này, nhóm biên soạn gặp ít nhiều khó khăn nhưng được sự ủng hộ của Bộ Tư lệnh cho nên cuốn sách đã được xuất bản.

Có thể nói, cuốn sách không chỉ là một tư liệu quý giá về lịch sử, mà còn là một biểu tượng về lòng dũng cảm, tinh thần kiên cường của quân và dân thành phố trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, giúp các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 2 tác giả Hoàng Đôn và Hoàng Đôn Nhật Tân đã tập hợp và bổ sung những câu chuyện chọn lọc về các sự kiện, nhân vật trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc để cho ra mắt cuốn sách “Đường chúng ta đi” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Không phải là một nghiên cứu hoàn toàn mới mẻ, có trích dẫn từ nhiều nguồn tư liệu, nhưng đây là tập tư liệu có giá trị, chứa đựng những nội dung, hình ảnh mà thế hệ sau sẽ cần tìm hiểu.

Đáng chú ý, thông qua cuộc đời và sự nghiệp của những con người đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc, cuốn sách là nguồn cảm hứng cho giới trẻ học tập và lao động.

Cuốn sách gồm 20 câu chuyện, chia thành 2 phần: Sài Gòn, mùa thu 1945-mùa xuân 1975 và Sài Gòn-Hồ Chí Minh-Tiến ra biển lớn. Nhiều nhân vật ghi dấu ấn trong lịch sử giai đoạn này đã được nhắc đến trong sách: Hoàng Đôn Vân, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Ngọc Thảo, Lữ Minh Châu, Hồ Duy Hùng, Triệu Quốc Mạnh, Dương Đình Thảo, Vũ Hạnh, Võ Tòng Xuân, Trần Kim Thạch, Phan Chánh Dưỡng, Phạm Chánh Trực,…

Một trong những điểm giá trị của cuốn sách là các hình chụp từ nhiều nguồn tư liệu, trong đó có ảnh gia đình cung cấp. Trong bài viết “Hãy lắng nghe thế hệ 4.0”, tác giả cũng chia sẻ về tầm quan trọng của việc giới thiệu các tác phẩm phù hợp, giúp giới trẻ tiếp cận lịch sử dân tộc: “Nhiều người có định kiến rằng: Người trẻ đã “quay lưng” với lịch sử.

Song với cái nhìn tích cực hơn, khi nhìn vào thực tế, trong nhiều lần giao lưu truyền thống với cơ sở đoàn, được lắng nghe các bạn, tôi vẫn thấy những người trẻ không hề “ngoảnh mặt” với lịch sử. Bằng nhiều cách thức, chính họ đang âm thầm lan tỏa một tình yêu sử Việt, sự khám phá những giá trị cốt lõi của lịch sử dân tộc tới những người trẻ khác một cách rất tự nhiên, hiệu quả…”.

Tác giả Hoàng Đôn Nhật Tân cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là thông qua cuốn sách này sẽ giúp cho người trẻ hiểu thêm, yêu thêm lịch sử nước nhà, từ đó truyền cảm lý tưởng cách mạng và ngọn lửa nhiệt huyết đó cho thanh niên, để cho họ dám ước mơ, có hoài bão lớn nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc kiến tạo đất nước cường thịnh”.

Bài và ảnh: BẢO LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tiep-lua-nhiet-huyet-cach-mang-cho-the-he-tre-post852768.html