Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025. Sau gần 1 năm triển khai, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình ông Hoàng Văn Hủ ở thôn Làng Mới, xã Mường Vi (huyện Bát Xát), thuộc diện hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất. Được cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát hướng dẫn, ông Hủ đã làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 để phát triển mô hình sản xuất, với lãi suất ưu đãi 3,3%/năm, thời hạn vay 10 năm. Nhờ được hỗ trợ vay vốn, ông Hủ đã phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện gia đình ông đang nuôi 3 con ngựa, 1 đàn trâu và đã thoát nghèo.

Nghị định 28 giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thuận lợi trong tiếp cận vốn vay ưu đãi, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nghị định 28 giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thuận lợi trong tiếp cận vốn vay ưu đãi, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Không chỉ gia đình ông Hủ, từ nguồn vốn các chương trình cho vay theo Nghị định 28, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Bát Xát cũng được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ xây nhà ở và chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế. Ông Lê Xuân Thọ, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát cho biết: Tính đến thời điểm 31/1/2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát đã giải ngân cho 127 khách hàng tại các xã: Bản Vược, Phìn Ngan, Mường Vi, Dền Sáng, Bản Xèo, A Lù, Cốc Mỳ, Pa Cheo với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Một mô hình trồng rừng kinh tế ở Bát Xát sử dụng vốn vay tín dụng chính sách.

Một mô hình trồng rừng kinh tế ở Bát Xát sử dụng vốn vay tín dụng chính sách.

Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai 2021 - 2030 là 1 trong 5 chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm hỗ trợ vốn vay làm nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối tượng thụ hưởng theo nghị định này là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cũng thuộc đối tượng được vay vốn. Các chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi; đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, trong 5 năm đầu khách hàng chưa cần trả nợ gốc; thời hạn vay từ 10 năm đến 15 năm tùy từng chương trình.

Với những chính sách ưu đãi như vậy, người dân rất vui mừng, phấn khởi. Anh Tẩn Phà Sáng (thôn Thải Giàng Chải, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương) tâm sự: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm qua sống trong ngôi nhà đã xuống cấp. Vừa qua, được hỗ trợ vay vốn nhà ở với số tiền 40 triệu đồng, cùng với số tiền tiết kiệm, tôi đã xây dựng được căn nhà kiên cố có diện tích 45 m2. Đây là cơ hội giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế.

Niềm vui của những hộ dân được vay vốn theo Nghị định 28 tại huyện Mường Khương.

Niềm vui của những hộ dân được vay vốn theo Nghị định 28 tại huyện Mường Khương.

Ngay khi Nghị định 28 được ban hành, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan triển khai. Năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay 45,7 tỷ đồng, với 868 hộ vay vốn. Nghị định 28 của Chính phủ đã đáp ứng mong mỏi của nhiều hộ nghèo sống ở vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị định 28 đến người dân. Với tổng nguồn lực được đầu tư lớn, tin tưởng rằng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh sẽ được nâng lên.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365313-tiep-suc-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so