Tiếp tục cảnh báo rủi ro với tăng trưởng kinh tế
Theo AMRO, các rủi ro tăng trưởng với triển vọng kinh tế Việt Nam chủ yếu theo hướng tiêu cực.
Nhiều rủi ro bùa vây
Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong phân tích mới nhất về Việt Nam tiếp tục cảnh báo, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam nghiêng về phía tiêu cực.
Những rủi ro suy thoái chính xuất phát từ suy thoái kinh tế ở EU hoặc Mỹ, sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến ở Trung Quốc và sự trì trệ kéo dài của thị trường bất động sản Việt Nam.
Những điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn tài chính của các nhà phát triển bất động sản và gia tăng áp lực lên các lĩnh vực liên quan khác.
AMRO dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm nay, cao hơn đáng kể mức 5,1% của năm ngoái nhờ nhu cầu bên ngoài được cải thiện, nhu cầu trong nước phục hồi và dòng vốn FDI mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh rủi ro từ nước ngoài như trên, Việt Nam còn đối mặt với những vấn đề trong lĩnh vực tài chính, chủ yếu phát sinh từ sự suy giảm chất lượng tài sản.
Tỷ lệ nợ xấu, đặc biệt là ở các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các khoản vay liên quan đến bất động sản, đã tăng lên do điều kiện kinh tế yếu kém và thị trường nhà ở trì trệ. Chính sách hoãn trả nợ có thể che giấu chất lượng tín dụng cơ bản yếu hơn.
Trong dài hạn hơn, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về cơ cấu, bao gồm ngành sản xuất chậm lại, thiếu lao động lành nghề và già hóa dân số nhanh chóng.
Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất ở châu Á trước biến đổi khí hậu do sự tập trung các hoạt động kinh tế và dân cư dọc theo bờ biển dài cũng như quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng.
Việt Nam cần làm gì?
Cân nhắc những yếu tố không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng, Việt Nam nên áp dụng các chính sách kết hợp nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong khi vẫn có thể duy trì ổn định tài chính.
Cụ thể, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo trong việc củng cố nền kinh tế, cùng với các biện pháp hỗ trợ cần tiếp tục được điều chỉnh để đạt hiệu quả cao hơn và hướng tới các nhóm dễ bị tổn thương hơn.
Việc duy trì lập trường chính sách tiền tệ phù hợp sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp SME và các hộ gia đình mắc nợ nhiều.
Các quy định an toàn vĩ mô, chẳng hạn như giảm tỷ lệ cho vay tập trung hoặc tỷ lệ cho vay, cần được áp dụng để ngăn chặn trước những rủi ro phát sinh từ thị trường bất động sản và hạn chế nhu cầu đầu cơ.
Bộ đệm vốn và thanh khoản của ngân hàng cần được tăng cường trong bối cảnh rủi ro gia tăng.
Bên cạnh đó, AMRO khuyến nghị, Việt Nam cần thực hiện các nỗ lực cùng lúc để giải quyết các thách thức về cơ cấu và thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững.
Chính sách tài khóa trung hạn cần hướng tới cải thiện quản lý thuế, mở rộng cơ sở tính thuế, nâng cao hiệu quả chi tiêu và tăng cường bảo trợ xã hội.
Việc cải thiện khuôn khổ chính sách tiền tệ sẽ tăng cường vai trò của những chính sách này trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cần được giảm dần theo thời gian khi điều kiện cho phép và có lộ trình phù hợp để mở đường cho một khuôn khổ chính sách mang tính thị trường hơn.
Tổ chức này cũng đề xuất, Việt Nam cần theo đuổi các cải cách pháp lý trong hệ thống tài chính bằng cách đẩy nhanh việc mua bán và sáp nhập giữa các ngân hàng mạnh hơn và yếu hơn, cải thiện khuôn khổ xử lý ngân hàng, tăng cường các quy định về quản trị doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng tài chính và công bố thông tin, cũng như nâng cao hiểu biết về tài chính.
Việc mở rộng các chương trình bảo lãnh tín dụng có thể giúp thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các SME.
Những khó khăn tài chính trên thị trường nhà ở cũng cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết các vướng mắc pháp lý và lỗ hổng dữ liệu liên quan đến bất động sản và xây dựng.
Liên quan đến vấn đề thiếu lao động có tay nghề, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn và hỗ trợ tài chính để nâng cao tính sẵn có và chất lượng của các chương trình giáo dục và đào tạo nghề.
Để tăng cường khả năng phục hồi của đất nước trước biến đổi khí hậu, cần có cả các biện pháp giảm thiểu và thích ứng để giảm thiểu rủi ro liên quan đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.