Tiếp tục chính sách thuế gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, năm 2025, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát huy vai trò tích cực của chính sách tài khóa
Tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ của ngành Tài chính vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành lời khen cho công tác điều hành chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, đảm bảo cân đối vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát mà vẫn thúc đẩy tăng trưởng.
Giảm thuế làm giảm thu ngân sách hơn 70 nghìn tỷ đồng
Năm 2025, thực hiện giảm 2% thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng đầu năm 2025 (từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025), dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2025 (như áp dụng năm 2024), làm giảm thu NSNN khoảng 44 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, đã phát huy vai trò tích cực của chính sách tài khóa, nuôi dưỡng nguồn thu, gia hạn, miễn giảm, thuế, phí, lệ phí, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội. Trong đó, năm 2024 đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất lên tới gần 197.000 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm ngoái, khi chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã kéo dài 4 năm và tưởng chừng có thể quay trở lại chính sách bình thường cũ, nhưng nhận thấy tình hình còn khó khăn, Bộ Tài chính đã tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Việc nghiên cứu các giải pháp về thuế có tác động làm giảm nguồn thu luôn được gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của NSNN cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương. Các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và đang được thực hiện cho đến hết năm 2024 với quy mô hỗ trợ khoảng 191 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong cả năm 2024 làm giảm thu ngân sách khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, gói hỗ trợ từ chính sách này là khoảng 123.800 tỷ đồng. Năm nay, tiếp tục duy trì giảm thuế GTGT cho nửa đầu năm là thông tin tích cực cho nền kinh tế.
Các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai. Các chính sách giảm thuế GTGT áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
Triển khai hiệu quả, thực chất các chính sách hỗ trợ thuế
Trả lời báo chí mới đây, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất công nghệ cao Việt Hàn Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc gia hạn, giảm thuế để có thêm cơ hội cân đo tài chính tốt hơn, chuẩn bị nguồn lực tài chính, kết hợp với các doanh nghiệp nước ngoài và hướng đến xuất khẩu”.
Ở góc độ tiêu dùng cá nhân, việc giảm 2% thuế GTGT tuy nhỏ nhưng trong tổng thể nền kinh tế là lớn. Bà Nguyễn Thị Oanh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, là người nội trợ trong bối cảnh khó khăn chung, việc giảm thuế GTGT cũng mang lại niềm vui cho người tiêu dùng. Nhất là thời điểm mua sắm dịp Tết, con số được giảm thuế là không nhỏ cho thấy sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đến với người dân.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc gia hạn chính sách giảm thuế GTGT đến hết tháng 6/2025 làm giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cái được lớn hơn là sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp trở lại cho NSNN và nền kinh tế nói chung.
Nhận thấy năm 2025 những khó khăn, thách thức chưa dừng lại, nên cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp trong năm 2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý thu NSNN, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế; phấn đấu hoàn thành thu NSNN năm 2025 ở mức cao nhất.
Trên cơ sở đó, có nguồn lực để triển khai hiệu quả, thực chất các chính sách thu đã ban hành như: giảm 2% thuế suất GTGT, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu... để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để đảm bảo nguồn lực cho thực hiện các gói hỗ trợ cũng như giữ vững cân đối ngân sách, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, trong đó, đặc biệt cải cách hiện đại hóa các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.