Tiếp tục chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng

Sở GTVT TP.HCM yêu cầu Công ty TNHH Thường Nhật báo cáo cụ thể phương án khai thác hoạt động kinh doanh hiện nay tại khu vực bến tàu thủy Bạch Đằng, quận 1 để tiếp tục chỉnh trang khu vực công viên theo quy hoạch.

Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình khai thác vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy của hai tuyến buýt sông Bạch Đằng – Lò Gốm và Bạch Đằng – Linh Đông gửi UBND TP.HCM.

Sắp xếp lại bến tàu thủy

Theo đó, Sở GTVT yêu cầu Công ty TNHH Thường Nhật - nhà đầu tư báo cáo cụ thể phương án khai thác hoạt động kinh doanh hiện nay tại khu vực bến tàu thủy Bạch Đằng (bến Bạch Đằng), quận 1.

“Qua đó, căn cứ văn bản chỉ đạo của UBND TP về việc triển khai quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 công viên bến Bạch Đằng (Thông báo số 867/TB-VP ngày 26-10-2023) để đề xuất lộ trình, tiến độ thực hiện việc sắp xếp, di dời cho phù hợp sau khi đồ án quy hoạch được duyệt” - văn bản của Sở GTVT nêu.

Đồng thời, sau khi quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 công viên bến Bạch Đằng được duyệt, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với Công ty TNHH Thường Nhật để thỏa thuận việc sắp xếp, di dời hoạt động của công ty tại cầu bến số 1 phù hợp theo quy hoạch và chủ trương của TP, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.

 Công viên bến Bạch Đằng sẽ tiếp tục được chỉnh trang trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Giang

Công viên bến Bạch Đằng sẽ tiếp tục được chỉnh trang trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Giang

Bến chưa được giao đất, Sở Xây dựng TP chưa thẩm định

Báo cáo về thiết kế xây dựng và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà đầu tư với hai tuyến buýt sông Bạch Đằng – Lò Gốm và Bạch Đằng – Linh Đông, đối với phần cầu bến dưới nước, Sở GTVT cho biết nhà đầu tư đã thực hiện thiết kế cầu bến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

Các thiết kế này đã được sở thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đối với phần dưới nước của 5 bến (Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông).

“Đối với phần nhà chờ trên bờ, Sở Xây dựng TP chưa thực hiện thẩm định do các bến chưa được giao thuê đất để đầu tư xây dựng. Hiện 5 bến đã thi công xây dựng nhà chờ tạm để phục vụ hành khách” - báo cáo của Sở GTVT nêu.

Riêng bến tàu thủy Bạch Đằng (bến Bạch Đằng), nhà đầu tư đã thực hiện một số hạng mục, trong đó có nhà chờ đón trả khách. Theo đó, sau khi tiếp nhận bàn giao, tháng 9-2017 Công ty Thường Nhật đề xuất cải tạo, chỉnh trang nhà chờ tại bến Vườn Kiểng (vị trí tiếp giáp và kết nối trực tiếp với cầu dẫn phao nổi) phục vụ khai thác vận hành dự án.

Khu vực này được cải tạo với diện tích nhà chờ dài 38,15m, rộng 8,45m (322,37m2), nhà chờ được lắp dựng bằng hệ khung thép hộp 30x60mm và trụ thép hình H250 liên kết với nhau bằng bu lông cường độ cao.

Nhà chờ bến Vườn Kiểng được lắp dựng bằng hệ khung thép hộp và thép hình gọn dễ dàng tháo lắp. Sở GTVT đã có công văn ủng hộ về quy mô, kết cấu này và đề nghị chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND quận 1 để thống nhất về giải pháp thiết kế, biện pháp triển khai thi công nhà chờ. Mục tiêu là đảm bảo cảnh quan chung, an ninh trật tự đô thị, an toàn khai thác vận hành.

Ngoài ra còn có hai khu nhà dịch vụ lắp ghép do Công ty Thường Nhật tự thực hiện cải tạo, chỉnh trang là khu nhà dịch vụ phía hạ lưu nhà chờ (cà phê) có kích thước 7m x 19m, diện tích 133m2, bằng mái tôn, vách kính và khu nhà dịch vụ phía thượng lưu nhà chờ (nhà hàng) có diện tích 459m2, bằng mái bê tông, vách kính.

Phần bến nổi cập tàu và cầu dẫn có chiều dài bến nổi cải tạo từ 22m lên gần 85 m và cải tạo cầu dẫn theo hiện trạng dài 22m, rộng 5m. Kinh phí thực hiện cải tạo phần bến nổi cập tàu trên do Công ty Thường Nhật tự thu xếp.

Theo quyết định số 5080 năm 2015 của UBND TP và Hợp đồng BOO (Build-Own-Operate, xây dựng - sở hữu - kinh doanh) của hai dự án buýt sông trên, chủ đầu tư được phép cải tạo, chỉnh trang tại khu vực bến Bạch Đằng. Tuy nhiên, hợp đồng không nêu cụ thể các hạng mục công trình.

“Đến nay, trong phạm vi mặt bằng được bàn giao với UBND quận 1, chủ đầu tư đã xây dựng hạng mục nhà chờ đón trả khách, khu nhà dịch vụ lắp ghép. Các hạng mục này không được nêu trong phương án tài chính, phương án đầu tư xây dựng của hợp đồng BOO” - báo cáo của Sở GTVT TP chỉ ra.

Việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cục bộ các vị trí khu đất để đầu tư xây dựng bến chưa được các địa phương quan tâm nên thực hiện còn chậm. Đến nay, chỉ có 4 bến trên địa bàn TP Thủ Đức đã được UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Hiện nay, nhà đầu tư đã lập hồ sơ đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm làm cơ sở để Sở TN&MT TP tiếp nhận, thẩm định và trình UBND TP.HCM giải quyết đối với 4 bến thủy nội địa đã được TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉ lệ 1/2000 (Bến Bình An, Thảo Điền, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông).

Các bến còn lại, sau khi UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/2000, nhà đầu tư sẽ thực hiện lập hồ sơ đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Theo khoản 5 Điều 1 Quyết định số 5080/2015 của UBND TP.HCM, tiến độ thi công xây dựng công trình và đưa vào khai thác vận hành của dự án từ năm 2015 đến năm 2016. Tuy nhiên, hiện nay dự án 2 tuyến buýt sông vẫn chưa hoàn thành do chậm trễ trong việc cập nhật quy hoạch, giao thuê đất.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiep-tuc-chinh-trang-cong-vien-ben-bach-dang-post795954.html