Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng theo pháp luật

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(Tiếp theo và hết)

Để tránh tình trạng ôm đồm hoặc “bỏ quên” công vụ, chức quản lý nhà nước phải được phân định minh bạch theo chức năng, nhiệm vụ, công cụ quản trị được chuẩn bị tốt nhất theo mô hình Chính phủ điện tử, trước hết số hóa các công việc và lĩnh vực cơ bản và cần kíp. Phương châm bao trùm của các bộ là: Quản lý công việc và quản trị ngành theo pháp luật chứ không phải làm thay người thực thi luật pháp; giúp Chính phủ giữ đúng vai trò người quản trị quốc gia.

Đồng thời, tổ chức lại các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Trung ương tới tận cơ sở theo hướng sáp nhập, nhằm giảm đầu mối, trên cơ sở tương hợp về vùng lãnh thổ hoặc vùng kinh tế, tương dung về văn hóa, truyền thống và xã hội; thực hiện phân cấp, phân quyền một cách dân chủ và hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Trung ương, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao theo pháp luật. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể giảm bớt trung gian, vừa tập trung nguồn lực, vừa thực thi phân cấp, phân quyền một cách đủ mạnh, bảo đảm sự quản lý, điều hành linh hoạt ở tầm quốc gia một cách linh hoạt và thống nhất.

Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; giảm và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Nâng cao năng lực, chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách. Cải cách đồng bộ tư pháp, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp và về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bảo đảm tính khoa học, thống nhất, đồng bộ, độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và chức danh tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức tòa án, bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Đổi mới hệ thống tổ chức của tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; định vị hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động trinh sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đổi mới và kiện toàn các tổ chức bổ trợ tư pháp. Kiến tạo cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Nghĩa là, toàn bộ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải nhằm định hướng toàn bộ công việc của Nhà nước cần và buộc đặt trên nền tảng pháp luật bảo vệ và phát triển công lý một cách vô điều kiện.

Chỉnh đốn và tái xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, đủ năng lực ngang tầm yêu cầu.

Cần thiết phân định và minh định hai chức năng của bộ máy hành pháp: chức năng hành pháp chính trị (kiến tạo chính sách, quy định hành chính) và chức năng hành chính công vụ, để lựa chọn từng loại viên chức chính trị và công chức hành chính phù hợp (bằng những phương thức tuyển lựa cụ thể). Đây là mắt khâu quan trọng quyết định chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của bộ máy hiện nay. Theo đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của hoạt động công vụ.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực pháp lý, năng lực điều hành, quản lý nhà nước. Ban hành chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Thực hiện “nhất thể hóa” một số chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thể chế hóa về pháp luật chế độ miễn nhiệm, huyền chức và từ chức.

Nghĩa là, bằng phương thức lãnh đạo, cầm quyền phù hợp Đảng hóa thân vào Nhà nước bằng các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng trên phương diện này chỉ theo luật định.

Lãnh đạo đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực, tôn vinh và phát huy địa vị của nhân dân bằng và bởi pháp luật.

Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, pháp luật phải là bà đỡ của dân chủ, đạo đức, là cán cân trong thực thi kiểm soát quyền lực bảo đảm cân bằng mọi quyền lực từ chính trị tới kinh tế và xã hội, đối với mọi chủ thể quyền lực hoặc thừa ủy quyền quyền lực từ Đảng, Nhà nước tới tất cả các thành viên của hệ thống chính trị, bằng cơ chế phù hợp, trên nền tảng pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo hướng tổng hợp của nhiều “cơ chế kiểm soát có tính chất bộ phận”, nhằm kiểm soát tất cả các nhánh quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp) dù ở các phạm vi khác nhau. Quy định chặt chẽ, chính xác về các chủ thể có thẩm quyền kiểm soát quyền lực nhà nước; về đối tượng, nội dung, hình thức, quy trình, hậu quả pháp lý… của việc kiểm soát. Ở đây, nguyên tắc pháp chế luôn được đề cao, nó đòi hỏi tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước phải thực hiện vô điều kiện các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước trong tổ chức cũng như trong hoạt động. Cơ chế kiểm soát quyền lực do được xác lập bởi pháp luật nên luôn mang tính bắt buộc, công khai, minh bạch, đòi hỏi các chủ thể phải tiến hành thường xuyên hoặc theo định kỳ tùy theo đối tượng và các nội dung cần kiểm soát theo pháp luật. Đảng quán xuyến, phải nắm lấy cơ chế đó và kiểm tra, kiểm soát nó. Đặc biệt, việc cấp bách nhưng mang tầm chiến lược là, Đảng phải lãnh đạo việc xây dựng và phát triển pháp luật đủ mạnh để thực thi kiểm soát quyền lực đối với chính những cá nhân và tổ chức được giao kiểm soát quyền lực đối với chính bản thân Đảng, Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, với phương châm không ngoại lệ một ai, không bỏ sót một tổ chức nào và không đặc quyền với bất cứ một cấp nào. Trước pháp luật, tất cả đều bình đẳng.

Bảo đảm bằng pháp lý thực tế vị thế, vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát, phản biện công việc của Đảng, Nhà nước, cán bộ, công chức; tham gia quản lý công việc đất nước và xã hội. Các đoàn thể chính trị - xã hội của nhân dân giáo dục đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp, chính sách; chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ; giúp họ nâng cao trình độ về mọi mặt và xây dựng cuộc sống mới; tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và đối ngoại nhân dân. Tạo khuôn khổ để Mặt trận và các đoàn thể tổ chức bộ máy tập trung, tinh gọn, liên thông và trực tiếp, tập trung sức mạnh tổng thể chứ không phải là sức mạnh của tổng số thành viên đơn lẻ.

Đảng vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận, có trọng trách bảo đảm và tôn trọng Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên. Bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị và các tổ chức của nhân dân mà pháp luật cho phép hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Đến lượt mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị của nhân dân cần bảo đảm tính tự nguyện, dân chủ, hiệp thương, phối hợp hành động. Các tổ chức này thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình đổi mới, cải cách là: vừa bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên vừa vận động đoàn kết, chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích của mình và của toàn dân tộc. Tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tăng cường những hoạt động phản biện xã hội đối với các quyết sách chính trị của Đảng và Nhà nước; đồng thời, bảo đảm cho nhân dân bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của chính mình và tự quản xã hội bằng pháp luật.

Nghĩa là, vị thế, sức mạnh, uy tín lãnh đạo, cầm quyền bằng pháp luật của Đảng tùy thuộc vào trình độ và mức độ xây dựng cơ sở xã hội - chính trị cầm quyền của Đảng một cách chính danh, chính pháp.

Nói khái lược, một cách tự nhiên và tất yếu, nếu Nhà nước thực thi công việc quốc gia của mình bằng pháp luật và chuyển dần sang bởi pháp luật một cách hiện đại và nhân văn thì công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trên phương diện này chính là bước chuyển từ pháp luật để lãnh đạo, cầm quyền tới lãnh đạo, cầm quyền bởi pháp luật. Đó là tầm viễn kiến chính trị chiến lược Đảng. Đó chính là thước đo sức mạnh và hiệu quả của phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tổng thể toàn bộ các công việc của một Đảng cầm quyền, là một trong những nhân tố rất quan trọng làm nên vị thế, năng lực, sức mạnh và uy tín lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Tất cả đều bảo vệ phát triển công lý Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng hiện nay và tương lai.

Trước mắt, hơn lúc nào hết, lúc này, Đảng càng chủ động và kiên định nắm chắc lấy luật pháp để cầm quyền bảo đảm thống nhất vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử với thượng tôn pháp luật bao nhiêu, nhất định lúc ấy vị thế, vai trò và sức mạnh của Đảng càng tự tỏa sáng bấy nhiêu, sự thành công của công cuộc lãnh đạo, cầm quyền không cầu cũng tự nó đến.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/138193/tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-theo-phap-luat