Tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Chiều 18/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 trong toàn ngành. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối với 63 tỉnh, thành. Tham dự và chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện về việc triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2203, đưa ra giải pháp để khắc phục những vấn đề còn bất cập và các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thành công kế hoạch năm học 2023-2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của ngành GD&ĐT.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2022-2023 với nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện về thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29.
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt thành tích cao. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trạng thừa, thiếu giáo viên đã có thêm nhiều giải pháp để khắc phục.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như, tình trạng thiếu giáo viên, tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học ở nhiều thành phố lớn, các khu vực đông dân cư. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn…
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục Việt Nam đạt được trong năm học vừa qua, góp phần khẳng định vị thế, như cải thiện vị trí xếp hạng các trường đại học trong các bảng xếp hạng quốc tế. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương nghiên cứu giải pháp cải thiện những mặt còn hạn chế, yếu kém.
Thủ tướng nhấn mạnh, chất lượng giáo dục phải được nâng lên cùng với chất lượng giáo viên. Phải có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm; tạo môi trường hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới. Ngoài ra, cần chú trọng đến hoạt động truyền thông để Nhân dân hiểu các chủ trương, đường lối chính sách về giáo dục, tạo sự đồng thuận, chia sẻ của Nhân dân.